RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH VỀ CÙNG MỘT MẶT HÀNG THUỘC ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH

15/02/2021

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết kết quả rà soát các quy định về cùng một mặt hàng thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, quy định về cùng một mặt hàng (giống nhau về mô tả hàng hóa, đặc tính kỹ thuật…) thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành nhưng được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau gây khó khăn cho nhà nhập khẩu hàng hóa trong việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu, tăng chi phí và thời gian thông quan hàng hóa. Qua rà soát cho thấy:

Đối với mặt hàng nồi hơi: Theo Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg ngày 18/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới thì mặt hàng “nồi hơi trong các xí nghiệp công nghiệp” thuộc danh mục phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu trước thông quan do Bộ Công Thương quản lý. Theo Thông tư số 33/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung mã HS trong danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BTC ngày 13/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương thì mặt hàng “nồi hơi không lắp trên các phương tiện giao thông vận tải, áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7 bar dùng trong công nghiệp” thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng sau thông quan do Bộ Công Thương quản lý; theo Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải thì mặt hàng “nồi hơi loại dùng trong giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác trên biển” thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng sau thông quan do Bộ Giao thông vận tải quản lý; theo Thông tư số 22/2018/TT-BLĐTBXH ngày 06/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì mặt hàng “nồi hơi có áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7 bar (trừ nồi hơi có áp suất làm việc trên 16 bar sử dụng đặc thù chuyên ngành công nghiệp)” thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng trước thông quan do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Đối với mặt hàng tời điện và tời ngang, tời dọc loại chạy bằng động cơ điện: Theo Thông tư số 22/2018/TT-BLĐTBXH thì mặt hàng tời điện thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng trước thông quan do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Tuy nhiên, theo Thông tư số 33/2017/TT-BCT thì mặt hàng tời ngang, tời dọc loại chạy bằng động cơ điện thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng sau thông quan do Bộ Công Thương quản lý.

Đối với mặt hàng bình chữa cháy: Theo Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT thì mặt hàng này thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Tuy nhiên, theo Thông tư số 08/2019/TT-BCA ngày 26/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an thì mặt hàng bình chữa cháy thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng của Bộ Công an.

Đối với mặt hàng Ra đa: Theo Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT thì mặt hàng này (Mã HS: 85.26) do Bộ Giao thông vận tải thực hiện. Đồng thời, mặt hàng này (Mã HS: 8526.10.10, 8526.10.90, trừ thiết bị Ra đa dùng cho tàu thuyền đi biển và Ra đa thuộc loại thiết bị phát, thu - phát vô tuyến cự ly ngắn) cũng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông theo Thông tư số 11/2020/TT-BTTT ngày 14/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với mặt hàng tinh bột, tinh bột có nguồn gốc thực vật vừa phải thực hiện thủ tục kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vừa phải thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm năm 2015, Phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương và Quyết định số 1325A/QĐ-BCT ngày 20/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Đối với thực phẩm dinh dưỡng y học hoặc thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Mã HS: 2106.90.96, 1901.90.91, 1901.90.11) vừa thuộc danh mục kiểm dịch động vật (áp dụng đối với sản phẩm chế biến từ sữa) theo pháp luật về thú y quy định tại Phụ lục II Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa thuộc danh mục kiểm tra an toàn thực phẩm theo pháp luật về an toàn thực phẩm quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BYT ngày 05/04/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Y tế quản lý.

Đối với mặt hàng dược liệu có nguồn gốc thực vật khi nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT, đồng thời phải có Giấy phép của Bộ Y tế theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, phương án xử lý vấn đề này là các bộ, cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án giao 01 đơn vị làm đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng cắt giảm hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành./.

Hồ Hương