NHIỆM KỲ KHÓA XIV, QUỐC HỘI ĐÃ THỂ HIỆN SỰ CẦU THỊ KHI LẮNG NGHE TÂM NGUYỆN CỦA CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN

05/02/2021

Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thể hiện sự cầu thị khi lắng nghe tâm nguyện của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, để hoạt động của Quốc hội phát huy hiệu quả hơn, cần nâng cao trình độ, kỹ năng... của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) được bầu vào ngày 22/5/2016.  Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội luôn không ngừng phấn đấu thực hiện tốt việc phát hiện, đề xuất những cơ chế, chính sách mới mà còn thực hiện các chức năng cơ bản về công tác lập pháp, giám sát.

Tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đã được lắng nghe

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng khẳng định: Trong nhiệm kỳ khóa XIV, có thể nói chất lượng của đại biểu Quốc hội tốt hơn những nhiệm kỳ trước. Từ những đại biểu có kinh nghiệm đến những đại biểu mới trúng cử đều tích cực đóng góp trí tuệ, công sức cho xây dựng luật pháp, đưa ra quan điểm có trách nhiệm với những quyết sách lớn của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã hoàn thành những nhiệm vụ mà cử tri và Nhân dân giao phó.


Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tại Hội trường Diên Hồng.

Đối với công tác xây dựng pháp luật, trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội thực hiện biên soạn các luật một cách bài bản hơn, chất lượng của các luật được thông qua cũng có nhiều bước đột phá hơn. Thông qua đại biểu dân cử, Quốc hội đã thể hiện sự cầu thị khi tiếp thu nhiều ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đối với các vấn đề lớn của đất nước. Ví dụ như các ý kiến của nhân dân về chương trình mục tiêu giảm nghèo; đồng bào dân tộc miền núi, dân tộc thiểu số; xây dựng nông thôn mới; tác động của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, theo Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng, bên cạnh những thành quả đạt được, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, công tác xây dựng công tác lập pháp vẫn còn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Các dự án luật đã được đưa vào chương trình nhưng do công tác chuẩn bị còn chưa kỹ lưỡng, chưa theo kịp chương trình nên có những trường hợp Quốc hội bị động khi phải điều chỉnh xây dựng pháp luật.

Một số dự án luật khi trình ra Quốc hội lần đầu tiên nhưng chất lượng chưa cao nên các Ủy ban của Quốc hội phải mất nhiều công sức trong việc thẩm tra, lấy lại ý kiến để cơ quan soạn thảo phải sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, có dự thảo luật được gửi đến đại biểu Quốc hội xem xét rất muộn nên các đại biểu không đủ quỹ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến tâm huyết cho các dự thảo luật đó. Do vậy, có dự thảo luật được Quốc hội cho ý kiến và thông qua rồi nhưng trong quá trình triển khai thực tiễn trong cuộc sống vẫn còn phát sinh vướng mắc, khó khăn nên tiếp tục phải bị xem xét, điều chỉnh, bổ sung. Vì thế, trong thời gian tới, chúng ta cần phải quan tâm xem xét hơn nữa tới chất lượng công tác xây dựng pháp luật.


Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng.

Đối với công việc chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong quá trình chỉ đạo, điều hành nền kinh tế -xã hội, có thể nói, trong nhiệm kỳ này, các đại biểu Quốc hội đã có những chất vấn rất thẳng thắn, trách nhiệm. Về cơ bản, các thành viên Chính phủ đã nhận rõ trách nhiệm của Bộ ngành mình phụ trách và đưa ra những giải pháp quyết liệt để giải quyết những  vướng mắc, khó khăn, hạn chế mà các đại biểu Quốc hội đã nêu tại các kỳ họp cũng như đợt giám sát chuyên đề.

Tuy nhiên, dưới sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ, cơ quan hành pháp, tư pháp càng ngày càng nặng nề hơn. Để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và mong muốn của đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, cơ quan tư pháp, hành pháp sẽ phải thực sự cố gắng hơn nữa. Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ và các cơ quan cũng cần chú ý hơn tới tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các đại biểu Quốc hội. Điều này nhằm tránh tình trạng đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, nêu những vướng mắc khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội thì các thành viên Chính phủ lại trả lời vòng vo, né tránh hoặc trả lời cho có.

Cần nâng cao trình độ, kỹ năng ... của đại biểu Quốc hội

Nhận định về nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Trung Quốc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã thực hiện khối lượng công việc, soạn thảo được nhiều luật nhưng hoạt động còn chưa chuyên nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách còn ít. Hiện nay, đại biểu Quốc hội phần đông là không chuyên trách, thậm chí nhiều người còn đang giữ chức vụ. Thực sự, đại biểu Quốc hội đang đương chức với thế mạnh là họ có trải nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý nhưng có thể có những hạn chế khi họ còn phân tâm vào nhiều việc khác nên chưa chú trọng đến các hoạt động của Quốc hội.


 Đại biểu Dương Trung Quốc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Để hoạt động của Quốc hội phát huy hiệu quả hơn, chúng ta cần nâng cao trình độ, kỹ năng và thay đổi cơ cấu của đại biểu Quốc hội. Theo đó, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chúng ta cần có số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhiều hơn.

Còn đại biểu Nghiêm Vũ Khải- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, nêu quan điểm: Trên thực tế, hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện thường xuyên và bài bản hơn từ khi có Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, có thể nói, lực lượng giám sát thực hiện chính sách pháp luật của các cơ quan của Quốc hội vẫn còn thiếu. Việc giám sát để giải quyết những vấn đề bất cập hay đề xuất các phương hướng điều chỉnh luật, chính sách để xây dựng năng lực quản lý chưa kịp thời. Một số lĩnh vực mà nhiều người cho là tế nhị chưa được giám sát kỹ lưỡng nên khi Quốc hội thảo luận, tranh luận chưa đi đến cùng được vấn đề cần giải quyết.


Đại biểu Nghiêm Vũ Khải- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng.

Trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật, nếu trước kia, thời gian tồn tại của một luật khi triển khai áp dụng trong đời sống thường là 10 năm thì nay một số luật thay đổi rất nhanh. Có luật chỉ ban hành áp dụng trong thực tế với thời gian từ 3 đến 5 năm đã phải thay đổi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn nhân lực tập trung vào nghiên cứu luật còn chưa bài bản, chưa chuyên sâu và chưa phù hợp so với thực tiễn.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Đại biểu Nghiêm Vũ Khải nêu ý kiến: Quốc hội nên mở rộng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao mà không phải là đại biểu Quốc hội như các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực đóng góp ý kiến, nghiên cứu thảo luận vào việc xây dựng hệ thống pháp luật./.

Bích Lan