QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

11/11/2020

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 11/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam. Theo đó, có 456/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,61%) thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam.

Trước đó, tại Kỳ họp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ:  Ngày 21/10/2020, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua (sau đây gọi là dự thảo Luật) như sau:

Về giải thích từ ngữ (Điều 2): Có ý kiến đề nghị sửa lại khái niệm Biên phòng như sau: “Biên phòng là tổng hợp các hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”; có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt” vào cuối khoản 1; bổ sung cụm từ “xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân” vào sau cụm từ “ở khu vực biên giới”.


Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Việc chỉnh lý lại khái niệm “Biên phòng” đã được trình bày cụ thể tại Báo cáo số 593/BC-UBTVQH14 ngày 19/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về cơ bản, khái niệm này đã bao quát được các nội dung như ý kiến của đại biểu Quốc hội. Nội dung xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân đã được quy định tại Điều 9 dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung giải thích khái niệm “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới” để bảo đảm thống nhất và đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Khái niệm “khu vực biên giới” (KVBG) đã được quy định tại Điều 6 Luật Biên giới quốc gia và được hiểu thống nhất trong dự thảo Luật, nên không cần quy định lại tại dự thảo Luật này để tránh trùng lặp. Về khái niệm “vành đai biên giới”, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trên cơ sở quy định hiện hành cho phép bổ sung khoản 4 vào Điều này giải thích như sau: “Vành đai biên giới là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trên đất liền trở vào từ 100 m đến 1.000 m do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia quyết định, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”.

Về nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 4): Có ý kiến đề nghị sửa lại khoản 2 là: “Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” cho chính xác và đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ngoài lực lượng vũ trang còn có các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ biên phòng. Do đó, đề nghị Quốc hội không quy định nội dung “sự thống lĩnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” là nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng trong dự thảo Luật.

Về nhiệm vụ biên phòng (Điều 5): Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG” để thể chế hóa Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nội dung này như thể hiện tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, quy định “bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu” tại khoản 3 là chồng chéo về nhiệm vụ của bộ đội biên phòng với các lực lượng khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bảo đảm thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ chung của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, không chỉ riêng của bộ đội biên phòng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 6): Có ý kiến đề nghị sửa lại theo hướng quy định về lực lượng nòng cốt, chuyên trách và các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật; có ý kiến đề nghị thiết kế lại Điều này cho logic và dễ hiểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều này được thiết kế để quy định chung về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Việc xác định lực lượng nòng cốt, chuyên trách và chủ trì, phối hợp các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ biên phòng đã được quy định tại Điều 13 dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thiết kế lại Điều 6 như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

2. Cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 1 Điều này.

Về trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 7): Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “đền bù” bằng cụm từ “bồi thường” cho phù hợp với Luật Lực lượng dự bị động viên; ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Lực lượng dự bị động viên quy định chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được “bồi thường” thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Còn quy định “đền bù” tại dự thảo Luật được áp dụng trong trường hợp cơ quan, tổ chức, công dân tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng hoặc được huy động trong trường hợp khẩn cấp bị thiệt hại về tài sản. Nội dung Điều này quy định tương tự như Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh vệ và Luật Cảnh sát biển Việt Nam nên đề nghị không giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.


Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt.

Về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 10): Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ biên phòng liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước nên cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng thực thi nhiệm vụ ở KVBG, cửa khẩu; ý kiến khác đề nghị bổ sung một khoản quy định về hình thức phối hợp cho chặt chẽ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng không chỉ căn cứ vào Luật này mà còn theo quy định của pháp luật có liên quan. Để bảo đảm linh hoạt, chủ động về hình thức phối hợp, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp tại khoản 4 Điều này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở” vào trước cụm từ “KVBG” tại cuối điểm a khoản 1 để khẳng định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội. Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “cơ quan chủ trì và cơ quan, lực lượng phối hợp” vào cuối điểm c khoản 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong quan hệ phối hợp thì trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phải luôn được đề cao. Nội dung khoản này đã quy định rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, quy định tại điểm d khoản 2 chưa rõ ràng về thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, lực lượng trong xử lý vi phạm pháp luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định này là nguyên tắc chung để các lực lượng kịp thời, chủ động, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Nhằm bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại như dự thảo Luật.

Về hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới, cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền (Điều 11): Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trường hợp tạm dừng và trường hợp hạn chế hoạt động ở vành đai biên giới, KVBG, qua lại biên giới để tránh áp dụng tùy tiện; có ý kiến đề nghị rà soát lại Điều này để quy định cho chặt chẽ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc hạn chế hoặc tạm dừng một số hoạt động ở vành đai biên giới, KVBG, qua lại biên giới có tính chất đan xen. Căn cứ vào diễn biến tình hình cụ thể và các nguyên tắc được luật quy định, người có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại Điều này như dự thảo Luật.

Về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng (Điều 13): Có ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động quy định tại khoản 2, vì đây là nội dung mới liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự; ý kiến khác đề nghị phân định rõ Công an nhân dân hay bộ đội biên phòng làm nòng cốt, chủ trì hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đa số ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thảo luận đã nhất trí với quy định tại Điều này. Nội dung về vị trí, chức năng của bộ đội biên phòng đã được làm rõ tại Báo cáo số 593/BC-UBTVQH14 ngày 19/10/2020. Do đó đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ đội Biên phòng (Điều 14 và Điều 15)

Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (Điều 14): Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về biên giới” vào cuối khoản 5; bổ sung nội dung “Tổ chức thực hiện quan hệ phối hợp với các lực lượng biên phòng nước láng giềng để thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định với từng nước láng giềng trong quan hệ biên giới ...” vào khoản 6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung “ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về biên giới” đã được quy định tại khoản 4 Điều này, nội dung hợp tác quốc tế đã được quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.


Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam. 

Có ý kiến cho rằng, việc kiểm soát xuất nhập cảnh tại khoản 5 chưa rõ đối tượng, đề nghị chỉ giới hạn đối tượng kiểm soát là con người; quy định kiểm soát qua lại biên giới còn rộng, dễ dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc kiểm soát xuất nhập cảnh nhằm duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Nếu chỉ quy định đối tượng kiểm soát là con người sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng phương tiện để cất giấu tài liệu phản động, vũ khí, ma túy… để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, ngoài việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với con người còn phải kiểm soát cả phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối khoản này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ: Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “sắp xếp ổn định dân cư” bằng cụm từ “tham mưu cho địa phương trong việc sắp xếp dân cư trên biên giới” tại khoản 11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc sắp xếp ổn định dân cư ở KVBG do chính quyền địa phương chủ trì, các cơ quan, lực lượng tham mưu, tham gia, phối hợp theo nhiệm vụ, trong đó có bộ đội biên phòng. Việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp với thực tế. Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “khối đại đon kết dân tộc” và bổ sung nội dung “thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo” tại khoản 11 cho đầy đủ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khoản 11 như sau: “11. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở KVBG gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh”.

Về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng (Điều 15): Có ý kiến đề nghị tại khoản 2 nên giới hạn quyền hạn kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện của bộ đội biên phòng chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh ở địa bàn khu vực biên giới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ở cửa khẩu có nhiều lực lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau đã được quy định tại các luật chuyên ngành. Bộ đội biên phòng có chức năng thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Nếu chỉ giới hạn ở lĩnh vực an ninh, địa bàn khu vực biên giới là chưa đầy đủ, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Để bảo đảm chặt chẽ, tránh chồng chéo về quyền hạn, dự thảo Luật giới hạn chỉ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và phải tuân theo quy định pháp luật. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị gộp khoản 2 với khoản 3 cho ngắn gọn, tránh trùng lặp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Điều này như dự thảo Luật.

Về chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 27): Có ý kiến đề nghị bổ sung chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng và nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng tại khoản 1 đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, nên đề nghị giữ như dự thảo Luật.

Về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 33): Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định: “Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về biên phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao” cho phù hợp với chức năng của chính quyền địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc nội dung về quản lý nhà nước về biên phòng, nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý, sắp xếp lại một số điều, khoản để phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi; đồng thời bổ sung khoản 2 vào Điều 20; bỏ Điều 27 về bảo đảm tài sản và bổ sung Điều 35 quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Luật Biên giới quốc gia số 06/2003/QH11. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 06 chương với 36 điều. Với báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo./.

Bích Lan-Minh Thành