Thảo luận tại Tổ số 11 về tình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn, tại chính 5 năm
Thảo luận tại tổ số 11 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Bình Phước, Bến Tre và Tp.Cần Thơ, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến tình hình bão lụt ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản và cho rằng bên cạnh việc kịp thời chỉ đạo khắc phục khẩn cấp hậu quả của thiên tai lũ lụt cũng cần nhìn nhận lại những tác động của con người, nhìn nhận toàn diện các nguyên nhân để có giải pháp ứng phó trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, năm nay nước ta chịu nhiều biến động bất thường do thiên tai dịch bệnh. Do đó khi thảo luận về kinh tế xã hội cần phải xem xét những vấn đề này vừa về giải pháp khắc phục hậu quả vừa phòng chống diễn biến mới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu năm đến nay trong cả nước diễn ra 16 loại hình thiên tai với 10 cơn bão biển Đông, 263 trận giông lốc mưa lớn, có đến 49/63 tỉnh, thành phố xảy ra thiên tai các loại, 15 trận lũ lớn, sạt lở đất, 72 trận mưa lớn gây ngập úng, lũ đặc biệt là đợt lũ lụt miền Trung vừa qua; 79 trận động đất trong đó gần đây nhất là 27/7 tại Mộc Châu có cường độ lên đến 5.3 độ richte. Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị ngập mặn kéo dài, mặn xâm nhập sâu và tình trạng sạt lở bờ sông. Trước tình hình đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương đã nỗ lực phòng, chống thiên tai.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng tại kỳ họp này khi bàn về tình hình kinh tế - xã hội thì Quốc hội cần bàn giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai của các tỉnh miền Trung và bàn về kế hoạch ngân sách 2020-2021 phải dành nguồn lực phân bổ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các vấn đề thảo luận cần phải gắn với thực tế để xem xét.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận Tổ
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước mắt Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men để không xảy ra dịch bệnh, người dân không bị đói sau bão lũ, cần khôi phục sửa chữa nhà cửa, trường học, trụ sở làm việc, giảm bớt khó khăn cho người dân, bố trí nơi ăn ở tạm trú, cùng với đó là tiếp tục tìm kiếm cứu nạn nạn nhân sạt lở đất, nạn nhân trên biển.
Về lâu dài, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ phải chỉ đạo rà soát các kịch bản biến đối khí hậu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo, đánh giá nguy cơ tổn thương thiên tai mang lại để dự kiến nguồn lực ứng cứu, lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển của năm 2021 và của cả giai đoạn 5 năm tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nhanh chóng quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất; phải có chương trình di dân ra khỏi vùng thiên tai, không để lặp lại những trường hợp như Trà Leng, Rào Trăng 3. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Chính phủ phải chủ động thực hiện và hàng năm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương phải chú ý nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội chung của năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Việt Nam cơ bản thành công trong thực hiện mục tiêu kép, khống chế dịch và một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương. Tuy nhiên cần lưu ý khi người dân đang chủ quan trước đại dịch Covid và theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu người dân chủ quan có thể sẽ dẫn đến quay trở lại đợt 3 của đại dịch. Do đó cần cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, hạn chế mức thấp nhất hụt thu ngân sách nhà nước và nợ xấu./.