Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được chỉnh lý; đồng thời tiếp tục quan tâm cho ý kiến về một số nội dung về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; điều kiện đăng ký tạm trú đối với người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ; thời hạn tạm trú và các quy định chuyển tiếp.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật này để trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp này.
Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, mục tiêu xây dựng Luật Cư trú là phải bảo đảm được yêu cầu không để cản trở và ngăn chặn quyền tự do cư trú của công dân. Hai là, xác định được vị trí pháp lý của công dân, của người dân ở trên lãnh thổ của Việt Nam. Dù ở đâu, người dân phải có một vị trí pháp lý để giao dịch, để xác nhận. Đối với người dân, việc xác định vị trí pháp lý trong giao dịch, trong cuộc sống rất quan trọng. Ba là, đăng ký để các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động của người dân, của công dân. Trong những quy định này, việc đăng ký quản lý này không được làm phiền hà, làm phức tạp cho nhân dân.
Về điều khoản chuyển tiếp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết do còn nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn, nên dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Ban soạn thảo kiến nghị thực hiện theo phương án 2, bởi qua đối chiếu với các năng lực hoạt động thực tiễn để khi luật có hiệu lực phải dứt khoát được thời điểm có hiệu lực của một số quy định hay nhưng giấy tờ có giá trị pháp lý để tránh phiền phức cho người dân, kể cả cho các hoạt động quản lý của các cơ quan như quy định bỏ sổ hộ khẩu. Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ việc bỏ sổ hộ khẩu là mong đợi của người dân. Hiện nay, sổ có rất nhiều những điều khoản khác quy định đi theo với sổ hộ khẩu. Nay khi thay đổi phương thức quản lý thì đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi, chứ không phải là chỉ có sổ hộ khẩu thay đổi mà đủ được. Dự kiến trong Báo cáo đánh giá tác động cũng như là trong kế hoạch triển khai, Ban soạn thảo đề nghị là từ nay cho đến ngày 01/7 vận động tất cả những người dân, ví dụ gửi tiết kiệm, đăng ký nhà ở, đăng ký về những gì theo những giấy tờ pháp lý như Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu giấy, v.v. thì phải có thời gian như thế để chuyển đổi bằng một giấy gọi là Căn cước công dân. Đồng thời với việc cư trú này là triển khai dự án về Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 01/7. Thông tin về Cơ sở dữ liệu về dân cư hiện thu thập được khoảng 90% và giờ chỉ thẩm định, phúc tra lại và đưa vào trong hệ thống máy, còn 10% nữa sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh không cần phải gia hạn thời gian cấp Căn cước công dân để tập trung nỗ lực hoàn thành vào ngày 01/7. Đây cũng là thời điểm các văn bản có hiệu lực, kể cả căn cước công dân, dữ liệu quốc gia dân cư và cả về cư trú.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu về khái niệm, về một số những điều khoản quy định cụ thể, về một số trường hợp cụ thể trong vấn đề cư trú và cho biết thêm, qua đối chiếu, rà soát các quy định cho thấy luật có thể quy định rất cụ thể như khái niệm thế nào là cư trú, tạm trú, lưu trú được quy định rất cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lý giải, mỗi người đều phải có một nơi cư trú hợp pháp, với đủ những điều kiện, coi như là nơi ở chính thức và hợp pháp. Trong thời gian một người thường trú đó, họ có quyền được lưu trú ở một nơi khác nhưng chỉ được lưu trú tại ở một địa điểm cùng trong thời điểm, thời gian nhất định. Bộ trưởng dẫn chứng, một người đăng ký thường trú ở Hà Nội nhưng tạm trú ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 1 năm rưỡi để làm việc gì đó. Người đó đăng ký với cơ quan nhà nước, hộ khẩu đăng ký Hà Nội, nhưng lưu trú, tạm trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và trong Thành phố Hồ Chí Minh người đó có quyền lưu trú ở một phường khác, quận khác trong thời hạn không quá 30 ngày. Lưu trú không quá 30 người và tam trú không quá 2 năm, quá thời gian đó phải tiếp tục đăng ký lại.
Đối với thường trú phải có những điều kiện như đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích nhà ở, quan hệ với chủ hộ…Thực tế với những trường hợp ly thân, ly hôn rất khó khăn cho những người đó khi xác lập quyền về thường trú. Vợ, chồng có khi ly thân, hay ly hôn rồi nhưng gia đình nhà chồng không cho chuyển hộ khẩu trở về nhà cũ thì sẽ rất khó khăn. Với những quy định này thì cơ quan quản lý có quyền, nếu có quyết định của Tòa án là ly hôn thì không cần chủ hộ, gia đình nhà chồng/vợ đồng ý cho chuyển hộ khẩu. Khi có quyết định, bản án thì họ có thể về nhà bố mẹ, nhà riêng. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh những quy định rất cụ thể như trên được Ban soạn thảo tính đến và thể hiện trong dự thảo luật. Đồng thời Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý và xem xét thêm những trường hợp cụ thể để hoàn chỉnh dự thảo luật để đáp ứng được đối với các yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Luật Cư trú (sửa đổi) này là dự án luật mang tính cải cách rất lớn. Ngay trong nội bộ Bộ Công an nỗ lực để thực hiện, thực thi luật này mặc dù đây là một thách thức rất lớn trong công tác quản lý cư trú nói riêng và quản lý dân cư nói chung, thể hiện được định hướng rõ rệt trong ứng dụng công nghệ thông tin của hoạt động quản lý nhà nước, phát triển được kinh tế - xã hội. Nếu quản lý được cư dân tốt, quản lý được cư trú tốt thì có lẽ không phải tổng điều tra dân số. Đồng thời khi thực hiện quản lý cư trú bằng phương thức mới này sẽ góp phần giảm được rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến các cơ chế hành chính. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Quốc hội xem xét và sẽ sớm thông qua các dự án luật này để thực sự đi vào cuộc sống./.