KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI TIẾP TỤC PHÁT HUY HÌNH THỨC HỌP TRỰC TUYẾN TẠI CÁC KỲ HỌP TỚI

20/06/2020

Kết quả của đợt 1 họp trực tuyến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tổ chức thành công kỳ họp Quốc hội trực tuyến. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Quốc hội nên tiếp tục triển khai hình thức này ở các kỳ họp tới.

 


Các đại biểu Quốc hội họp tập trung tại Hội trường Nhà Quốc hội.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV có điểm đặc biệt hơn so với những kỳ họp trước đó là mặc dù vẫn khai mạc vào ngày 20/5/2020 theo đúng thông lệ nhưng với tổng thời gian chỉ 19 ngày và chia thành 02 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến kết nối giữa các điểm cầu từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020). Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 08/6 đến ngày 19/6/2020). Đặc biệt, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội mà đại biểu Quốc hội gửi chất vấn bằng văn bản đến người được chất vấn.

Đánh giá kỳ họp thứ 9 được tổ chức theo phương thức mới, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng: Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV được tổ chức với các thức mới đã góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo được chương trình làm việc. Các đại biểu Quốc hội vẫn có thời gian ở địa phương để giải quyết những công việc khác.

Trong thời gian họp trực tuyến, chất lượng đường truyền Internet tốt nên các đại biểu có thể phát biểu, đóng góp ý kiến cho các dự án Luật một cách thuận lợi, rõ ràng mà không bị ngắt quãng. Các đại biểu ở địa phương cũng như các đại biểu ở tại hội trường Nhà Quốc hội đều có điều kiện tương tác, thuận lợi đăng ký phát biểu. Các đoàn đại biểu tại các địa phương vẫn có thể mời các cơ quan, ban ngành ở nơi mà mình phụ trách đến dự họp nên sẽ có đông người cùng tham dự phiên họp của Quốc hội.

Nhìn chung, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đóng góp tại kỳ họp này đều thể hiện sự đồng hành cao với Chính phủ. Nhiều đại biểu có những đánh rất tâm huyết, khách quan, xác thực đối với công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng như hiến kế có sức thuyết phục cao để Chính phủ đưa ra những giải pháp hữu hiệu khôi phục nền kinh tế trong thời gian tới.


Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua một số dự án Luật quan trọng như: Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Xây dựng, Luật (sửa đổi), bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là những dự án Luật được sửa đổi rất kịp thời và phù hợp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để nước ta phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA). Đây là những Hiệp định rất quan trọng, đánh dấu mốc quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong Liên minh Châu Âu trong giai đoạn mới. Với những Hiệp định này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội không thực hiện chất vấn tại hội trường nhưng quyền chất vấn của các đại biểu vẫn được đảm bảo thông qua hình thức gửi văn bản chất vấn đến các tư lệnh ngành thông qua Ban Thư ký Quốc hội. 

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, nếu phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp và tổ chức tại phiên họp tập trung ở Nhà Quốc hội thì đông đảo cử tri cả nước sẽ có cơ hội theo dõi hơn. Tuy nhiên, qua phiên thảo luận ở Hội trường về kinh tế-xã hội cũng là một hình thức để các Bộ trưởng trả lời chất vấn những vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến Bộ, ngành mình phụ trách. Nhiều Bộ trưởng đã có kinh nghiệm đăng đàn trước Quốc hội, trả lời thẳng thắn, nhấn mạnh vào trọng tâm những vấn đề thiết thực với đời sống kinh tế-xã hội được đại biểu Quốc hội nêu và cử tri cả nước quan tâm. Qua đó, chúng ta có thể biết được những đường hướng, mục tiêu mà các ngành sẽ triển khai trong thời gian tới như thế nào. Với những kết quả của Kỳ họp thứ 9, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, trong thời gian tới, Quốc hội nên phát huy, duy trì hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung tại hội trường.

Nhìn lại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Công Nhường – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nhận xét: Đa số các đại biểu tán thành với hình thức họp trực tuyến kế hợp với tập trung. Trong giai đoạn đầu, Quốc hội có thể họp trực tuyến nên đại biểu có thể chủ động trong công việc. Thông qua cách thức họp này sẽ góp phần giảm chi phí ngân sách Nhà nước trong bố trí việc ăn, nghỉ cho các đại biểu Quốc hội tại khách sạn, bố trí xe đưa đón đại biểu; giảm tải ùn tắc giao thông... Còn những vấn đề, nội dung quan trọng; công tác nhân sự thì Quốc hội có thể họp tập trung tại hội trường của Nhà Quốc hội.


Các đại biểu Quốc hội họp trực tuyến tại địa phương.

Qua họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ 9, đại biểu Lê Công Nhường nhận thấy: Số lượng đại biểu Quốc hội đăng ký nhiều và tự tin hơn khi phát biểu trực tuyến tại hội trường Nhà Quốc hội. Ở phần họp tập trung của kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều loại luật nên không còn nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp các Bộ trưởng.

Tuy nhiên, những vấn đề "nóng" trong đời sống xã hội đều được các đại biểu Quốc hội chất vấn các Tư lệnh ngành tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội. Với những chất vấn được các Bộ trưởng trả lời trực tiếp và gián tiếp thông qua gửi bằng văn bản, các Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ dựa trên Nghị quyết của kỳ họp để đánh giá, giám sát theo nội dung.


Đại biểu Lê Công Nhường – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.

Theo đại biểu Lê Công Nhường, trong thời gian tới, Quốc hội nên tiếp tục triển khai theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với tập trung. Còn đối với việc chất vấn và trả lời chất vấn, trong kỳ họp tới, Quốc hội nên bố trí thời gian, hình thức họp trực tiếp như những kỳ họp trước đó đã thực hiện. Điều này cũng là để các đại biểu Quốc hội có thể trực tiếp chất vấn các Bộ trưởng được đầy đủ, cụ thể hơn; cử tri cả nước có thể theo dõi các phiên chất vấn được rõ ràng, sâu sát hơn.

Để kỳ họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo tinh thần dân chủ, Quốc hội nên tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội về hình thức họp này. Với những ưu điểm cũng như những hạn chế của của việc họp theo hình thức mới hay hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin trong Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội có thể đóng góp ý kiến để Quốc hội kịp thời cải tiến, thay đổi nhằm phục vụ cho những kỳ họp sau ngày càng hiệu quả hơn./.  

Bích Lan