QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIV

19/06/2020

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 19/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Kết quả cho thấy 91,72% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua qua Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nêu rõ: Ngày 17/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Có 400/441 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết và  41 đại biểu Quốc hội góp ý cụ thể vào Điều 1.


Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Điều 1 như sau: Có ý kiến đề nghị thể hiện đoạn đầu tiên của Điều 1 ngắn gọn, súc tích hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện lại như sau: “Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp và hoàn thành toàn bộ chương trình với các nội dung được xem xét, quyết định...”.

Tại khoản 4: Có ý kiến đề nghị bổ sung nhiệm vụ “phát triển mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước, đẩy mạnh du lịch nội địa, căn cứ tình hình và khả năng kiểm soát dịch bệnh để mở cửa du lịch nước ngoài, phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa; có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, tiềm lực mạnh; ưu tiên, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số, vật liệu mới”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Tại khoản 5: Có ý kiến đề nghị cân nhắc không lùi việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện như sau: “Lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021 để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới. Riêng việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các luật, nghị quyết khác có liên quan”.

Tại điểm a, khoản 7: Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng. Trường hợp hụt thu phải giảm chi tương ứng, nhất là đối với các địa phương khó khăn, phải nhận trợ cấp từ trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Để kịp thời ứng phó với những tác động đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân do đại dịch Covid-19, trong khi chờ cân đối nguồn lực thực hiện, việc giao các địa phương cần chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng là cần thiết. Đồng thời, thực hiện Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán, Ủy ban nhân dân trình Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định điều chỉnh giảm một số khoản chi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện lại như sau: “Chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng. Trường hợp hụt thu và phải chi những khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn thì sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác”. Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các giải pháp và nguồn lực trên mà còn khó khăn thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV”.

Tại điểm b, khoản 7: Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả” sau cụm từ “đã được Quốc hội quyết định”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc “giao Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định” vì nội dung này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp và thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân 5 tháng đầu năm vẫn còn thấp so với yêu cầu, thời gian còn lại của năm 2020 không còn nhiều, trong nước vẫn chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Do đó, việc giao Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công như dự thảo Nghị quyết là cần thiết nhằm bảo đảm kịp thời thực hiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Tại điểm c, khoản 7: Một số ý kiến đề nghị việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng kể từ 01/7/2020 theo lộ trình. Có ý kiến đề nghị quy định rõ thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/01/2021. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước 01/01/1995 và người hưởng trợ cấp. Có ý kiến đề nghị, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở vào ngày 31/12/2020 hoặc trước ngày 01/01/2021.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách nhà nước, việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 là cần thiết, thể hiện sự đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước. Sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020. Đồng thời, giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.


Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và đã thể hiện tại điểm đ khoản 7 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị bổ sung khoản 9: Chính phủ khẩn trương ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua, trong đó sớm ban hành Nghị định về bộ máy của cơ quan giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: Tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết, đã giao Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua là đã bao gồm nhiệm vụ của Chính phủ về ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật. Đối với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, căn cứ quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết để thực hiện. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: Tại khoản 4 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; trong Nghị quyết đó có ghi nhiệm vụ: “Tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính...” và “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh; tập trung tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư...”. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết. Ngoài ra, có một số ý kiến góp ý cụ thể về tên luật, nghị quyết, từ ngữ, kỹ thuật văn bản của dự thảo Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát để thể hiện chính xác tên của các luật, nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua. Với Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, về dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh