QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

17/06/2020

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 17/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Các đại biểu tham gia biểu quyết

Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật với tỷ lệ 92,96% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có bố cục gồm 03 Điều. Cụ thể, Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14; Điều 3 quy định về  hiệu lực thi hành.

Theo đó, Luật quy định dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, mức độ quan trọng; công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình; nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư. Căn cứ quy mô, mức độ quan trọng, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về lập dự án đầu tư xây dựng, Luật yêu cầu khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan

Về thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, Luật bổ sung quy định đối với dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, việc thẩm định được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Đối với dự án PPP, việc thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Luật nêu rõ: Thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được tính từ ngày cơ quan, tổ chức thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án sử dụng vốn đầu tư công được quy định như sau: đối với dự án quan trọng quốc gia, thời gian thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đối với dự án nhóm A, thời gian thẩm định không quá 40 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 35 ngày; đối với dự án nhóm B, thời gian thẩm định không quá 30 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 25 ngày; đối với dự án nhóm C, thời gian thẩm định không quá 20 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 15 ngày.

Toàn cảnh phiên biểu quyết

Về thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, Luật quy định đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, thẩm quyền quyết định đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Đối với dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với dự án PPP, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, trừ dự án quy định tại khoản 2 Điều này và dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác, chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư xây dựng hoặc thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật giao cơ quan chủ trì thẩm định có các quyền: Yêu cầu chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân lập, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng cung cấp, giải trình, làm rõ các thông tin phục vụ thẩm định; Yêu cầu chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra hoặc mời tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia thẩm định khi cần thiết; Bảo lưu kết quả thẩm định, từ chối thực hiện yêu cầu làm sai lệch kết quả thẩm định hoặc các yêu cầu vượt quá năng lực, phạm vi công việc thẩm định theo quy định. Đồng thời, có các trách nhiệm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật này và tổng hợp các ý kiến, kết quả thẩm định của cơ quan, tổ chức có liên quan để trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng;  chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư về kết quả công việc do mình thực hiện.

Đối với cơ quan chuyên môn về xây dựng, Luật quy định rõ có các quyền: Yêu cầu chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân lập, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở cung cấp, giải trình, làm rõ các thông tin phục vụ thẩm định; Yêu cầu cơ quan quản lý quy hoạch, kiến trúc địa phương nơi có dự án cung cấp thông tin về quy hoạch có liên quan khi cần thiết; Yêu cầu chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra hoặc mời tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tham gia thẩm định khi cần thiết; Bảo lưu kết quả thẩm định, từ chối thực hiện yêu cầu làm sai lệch kết quả thẩm định. Đồng thời, có các trách nhiệm sau thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của Luật này; Thông báo ý kiến, kết quả thẩm định bằng văn bản gửi chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả công việc do mình thực hiện.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều 3 của Luật này./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác