QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MIỄN THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

25/05/2020

Sáng ngày 25/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đang được thực hiện theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 trên thực tế không gặp vướng mắc và có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH14 ngày 11/11/2016 về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay, Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, đề xuất chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật là chưa thực sự phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận). Tại Báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng không có số liệu về diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi. Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Không được để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí đất nông nhiệp

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khẳng định: Nghị quyết đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông nghiệp-nông thôn theo hướng hiện đại, tạo sự cạnh tranh về nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, mặc dù nền nông nghiệp đã có nhiều bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên vẫn cần phải kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn khiêm tốn, quy mô đầu tư còn hạn chế. Để góp phần đưa tỷ lệ doanh nhiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cần phải triển khai trong thời gian tới. Cùng với đó phải xem xét, công khai minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ, quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng được thụ hưởng, tránh sử dụng sai mục đích, để đất hoang hóa; không được để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí đất nông nhiệp. Chính phủ cần tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Kể cả đất đã được thừa kế, trao tặng, nhận chuyển, sử dụng quyền sử dụng đất mà thành viên đã nhận, giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và góp phần thành lập hợp tác xã.

Còn riêng diện đất đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý không trực tiếp sử dụng sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế 100% quyền sử dụng đất.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương về Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu quan điểm: Các hộ cá nhân, hộ cá nhân cần tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích các tập đoàn kinh tế vào nông thôn. Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng làm giảm hụt nguồn thu ngân sách của Nhà nước (ước tính mỗi năm khoảng 7.500 tỷ đồng) nên cần có sự tổng kết về chính sách này để có phương hướng thực hiện trong thời gian tới. Bởi lẽ, trong thời gian qua, có tình trạng tình trạng người dân để đất bị bỏ hoang hóa không sản xuất, đất bị bỏ hoang chưa được thu hồi. Ngoài ra, có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ giá đền bù, bỏ hoang không sản xuất...


 Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện rộng rãi nhưng số lượng đối tượng bắt buộc phải trả tiền thuế không đáng kể. Vì thế, địa phương cần thực hiện công tác quản lý đất nông nghiệp chặt chẽ, có sổ sách ghi chép, theo dõi hàng năm những cá nhân, hộ gia đình mua đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sản xuất mà để cho chủ cũ trực tiếp sản xuất nhưng khi Nhà nước có đền bù thì lại xảy ra tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới. Thậm chí có nơi không được hỗ trợ cho ai.

Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. Sau thời gian này, Chính phủ cần có sự tổng kết, đánh giá lại để Quốc hội sẽ có chủ trương thực hiện tiếp theo. Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất những tổ chức Nhà nước được giao đất mà không trực tiếp sử dụng đất để đất hoang hóa hoặc giao đất cho cá nhân, tổ chức khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp để hưởng chênh lệch thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Trong thời gian chưa thu hồi thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp và phải bị phạt theo Luật Thuế.

Quốc hội nên ban hành một Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước khuyến khích nông dân, doanh nghiệp chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm: Quốc hội nên tiếp tục thực hiện Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và nên ban hành một Nghị quyết mới về vấn đề này.

Bởi vì Nghị quyết 55 của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được xây dựng từ năm 2010, còn Nghị quyết 28 của Quốc hội có bổ sung và kéo dài Nghị quyết 55 đến năm 2020. Còn nay Quốc hội lại bàn thảo một Nghị quyết của các Nghị quyết trên thì không hợp lý. Bời Hiến pháp năm 2013, Điều 47 quy định mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Mặt khác, tại khoản 1 Điều 5 của Luật Thuế năm 2019 cũng đã nêu là mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.


Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến đóng góp tại Hội trường.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA thì cũng nên nghiên cứu, xem xét đối kỹ đối tượng miễn thuế cho phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng ảnh hưởng đến thu nhập ngân sách Nhà nước, hội nhập quốc tế trong cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và tốn nhiều thời gian, công sức quản lý cũng như chi phí khác. Với những bất cập trên, khi thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Quốc hội cần xem xét nghiên cứu, xây dựng một Nghị quyết mới cho phù hợp, hiệu quả hơn với thực tiễn.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, có quy định đối tượng được thụ hưởng rõ ràng để dễ dàng quản lý và bảo đảm ổn định đối nông dân, góp phẩn thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Thời hạn thực hiện Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể đến 31/12/2030.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong phiên thảo luận buổi sáng, có 6 đại biểu đã phát biểu đóng góp ý kiến cho Nghị quyết. Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận cho Nghị quyết trong buổi chiều cùng ngày./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh