BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ĐÀO NGỌC DUNG GIẢI TRÌNH MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC GIA NHẬP CÔNG ƯỚC SỐ 105 VỀ XÓA BỎ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC

20/05/2020

Chiều ngày 20/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình một số nội dung liên quan đến việc gia nhâp Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội đối với việc gia nhâp Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Trong suốt thời gian qua, để chuẩn bị thấu đáo cho việc trình việc Công ước ra Quốc hội lần này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ rà soát toàn bộ cơ sở pháp lý và lấy ý kiến của các bộ ngành, tổ chức liên quan đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ; sự tương thích đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, hiện nay Việt Nam không có văn bản pháp luật nào trái với nội dung Công ước 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, Công ước 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức là một Công ước văn minh và tiến bộ, đảm bảo quyền con  người, quyền công dân, và thực hiện chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận lao động cưỡng bức.

Về vấn đề lao động của phạm nhân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của của Công ước 105 mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 29. Trong Công ước 29, trường hợp lao động của phạm nhân lại được coi là trường hợp ngoại lệ, không phải là lao động cưỡng bức.

Cụ thể, Công ước số 29 quy định về một số trường hợp ngoại lệ, mặc dù về hình thức có thể có một số dấu hiệu của lao động cưỡng bức, song không bị coi là lao động cưỡng bức: Lao động của phạm nhân, lao động của học viên cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc, lao động của học sinh trong trường giáo dưỡng thuộc các trường hợp ngoại lệ này của Công ước số 29.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp hôm nay và Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng cấp, từng ngành để tổ chức thực hiện./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh