Vai trò quan trọng của thanh niên
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Thanh niên là tầng lớp trẻ, khoẻ và đang trong giai đoạn phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ nên có năng lực đóng góp trong các lĩnh vực lao động sáng tạo, đem lại nhiều giá trị gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.
Toàn cảnh hội nghị
Theo các đại biểu, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều đã nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của thanh niên, từ đó đưa ra các chính sách thúc đẩy thanh niên phát triển cũng như đóng góp cho sự phát triển của quốc gia.
Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách cho thanh niên
Các đại biểu cho biết, Luật Thanh niên ở các nước hầu hết không quy định các chính sách cụ thể mà quy định những vấn đề chung về chính sách thanh niên. Các chính sách dành cho thanh niên luôn hướng tới mục tiêu phát triển thanh niên trên các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, từ việc học tập, sức khoẻ thể chất và tinh thần, đến lao động, việc làm và sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị và dân sự. Ngoài ra, các đạo luật thanh niên cũng dành một thời lượng nhất định để quy định việc phòng, chống tác hại của các nhân tố tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh niên như tệ nạn xã hội, các chất gây nghiện, thông tin xấu độc…
Bên cạnh đó, đạo luật về thanh niên ở hầu hết các quốc gia đều quy định các nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh niên. Các nguyên tắc này chính là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động xây dựng và thực hiện chính sách thanh niên. Luật Thanh niên được xem là đạo luật gốc đối với những vấn đề liên quan đến thanh niên, các đạo luật chuyên ngành quy định những vấn đề liên quan đến thanh niên buộc phải tuân thủ các nguyên tắc quy định trong đạo luật gốc này.
Đặc biệt, phần lớn Luật Thanh niên của các quốc gia có quy định các chính sách thanh niên. Tuy nhiên, luật không liệt kê cụ thể, chi tiết mà quy định những chính sách chung, mang tính chất định hướng, trên những lĩnh vực quan trọng của đời sống thanh niên, phát triển thanh niên nói chung cũng như đối với các đối tượng thanh niên đặc thù mà nhà nước cần có chính sách phát triển. Điều này nhằm tránh sự trùng lắp, chồng chéo với các đạo luật chuyên ngành mà thanh niên cũng là đối tượng thụ hưởng.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên Hoàng Xuân Châu phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên Hoàng Xuân Châu nhấn mạnh, các vấn đề liên quan đến thanh niên chưa bao giờ được ưu tiên cao như hiện nay. Ở châu Âu, các quốc gia châu Âu được có 2 hướng xây dựng chính sách thanh niên: Một là xây dựng một chính sách phát triển thanh niên tổng thể hoặc khung chính sách bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu biểu như: Áo, Azerbaijan, Thụy Điển; Hai là xây dựng chính sách phát triển thanh niên theo từng lĩnh vực riêng biệt như: Na Uy, Đan Mạch,... Mặc dù, nội dung chính sách tương đối đa dạng và khác biệt giữa các quốc gia, tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng chỉ ra một số điểm chung trong chính sách thanh niên của các quốc gia châu Âu. Mục tiêu của chính sách phát triển thanh niên của các quốc gia châu Âu được định hướng và xây dựng trên cơ sở các chỉ số phát triển thanh niên.
Tại các quốc gia châu Phi, chính sách thanh niên tập trung vào 3 lĩnh vực chính: giáo dục và việc làm; sức khỏe và phòng chống HIV/AIDS và khuyến khích sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động chính trị.
Còn tại các quốc gia Ả rập, hầu hết các quốc gia Ả rập đều đã có chính sách thanh niên. Cụ thể, chính sách thanh niên ở Ma rốc được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 2011 và được cụ thể hóa trong luật về thanh niên với sự tham vấn của Hội đồng tư vấn về thanh niên và Cộng đồng hành động thanh niên. Chính sách tập trung vào các vấn đề: giáo dục, việc làm, hệ thống y tế và sự tham gia của thanh niên; chính sách thanh niên ở Tunisia không được xây dựng tập trung, thống nhất vào một văn bản cụ thể mà nằm ở nhiều văn bản khác nhau, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong việc xây dựng và phát triển đất nước; chính sách thanh niên ở Algeria tập trung vào việc tạo cơ hội rèn luyện cho thanh niên, quản lý thanh niên, hạn chế các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thanh niên…
Ở các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, các chính sách đề cao vai trò, vị trí của thanh niên; hỗ trợ thanh niên phát triển lành mạnh và đạt được vị trí độc lập trong xã hội; xã hội sẽ có những hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các đối tượng thanh niên khác nhau.Tại Trung Quốc hiện nay không có chính sách thanh niên chung ở tầm quốc gia nhưng cũng có đến 200 luật, bộ quy tắc, quy định và thông cáo của nhà nước điều chỉnh vấn đề thanh niên.
Ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia ASEAN cũng đã thống nhất xây dựng và thực hiện Bộ chỉ số phát triển thanh niên khu vực ASEAN với 4 lĩnh vực cơ bản: giáo dục; sức khỏe và hạnh phúc; việc làm và cơ hội; sự tham gia của thanh niên nhằm có những đánh giá tổng hợp và nhất quán về tình hình phát triển thanh niên của các nước thành viên.
Hiện nay, ngoại trừ các quốc gia chưa có chính sách riêng về thanh niên hoặc đang trong quá trình xây dựng chính sách thanh niên như: Lào, Myanmar, chính sách thanh niên của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều đã xác định những mục tiêu phát triển và những nhân tố chính sách cụ thể liên quan đến thanh niên.
Đề xuất các chính sách cho thanh niên Việt Nam
Từ kinh nghiệm quốc tế và căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, các đại biểu đề nghị, khi xây dựng các chính sách cho thanh niên Việt Nam, các chính sách này cần được dự thảo một cách khái quát, điều chỉnh những lĩnh vực quan trọng của sự phát triển thanh niên, bao gồm lĩnh vực giáo dục, học tập, nghiên cứu khoa học; lĩnh vực lao động, việc làm và khởi nghiệp; lĩnh vực sức khoẻ, thể dục, thể thao, văn hoá, nghệ thuật. Ngoài ra, các chính sách này còn cần thể hiện được một số chính sách phát triển một số đối tượng thanh niên đặc thù mà hiện tại chưa được quy định cụ thể tại các đạo luật khác, bao gồm: thanh niên dân tộc thiểu số; thanh niên xung phong; thanh niên tình nguyện; và thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Việc quy định chính sách đối với các đối tượng này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước nhằm phát triển một bộ phận thanh niên đặc biệt, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể, trong giáo dục, học tập, nghiên cứu khoa học, Nhà nước cần bảo đảm các chương trình giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thanh niên. Đồng thời, ban hành chính sách tín dụng, học bổng, miễn giảm học phí cho học sinh sinh viên; đảm bảo cho thanh niên có cơ hội được học tập; hỗ trợ phát triển tài năng trẻ, thủ khoa, học sinh sinh viên tiêu biểu, đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học; có chính sách tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia giáo dục, đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng cần thiết khác cho thanh niên; có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thanh niên.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm và khởi nghiệp, Nhà nước cần có chính sách tư vấn, định hướng nghề nghiệp; vay vốn giải quyết việc làm; ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ; chính sách ưu đãi tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; các lĩnh vực mới; học tập, lao động ở nước ngoài; các giải thưởng về năng suất, chất lượng sản phẩm; có các chính sách ưu đãi cho thanh niên tham gia thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ xuất sắc. Đồng thời, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo về thông tin, pháp lý khởi nghiệp; đầu tư, hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp; phát triển hệ thống trung tâm, vườn ươm, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; miễn, giảm phí các khóa học về khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của thanh niên.
Các đại biểu đề xuất ý kiến tại hội nghị
Liên quan tới lĩnh vực y tế - sức khỏe; thể dục, thể thao; văn hóa, nghệ thuật, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần ban hành chính sách tư vấn, hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao thể lực, thể chất; giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính, hôn nhân và gia đình ; phòng ngừa các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm thần của thanh niên; ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ thanh niên tham gia các hoạt động và sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; cung cấp các dịch vụ về hoạt động văn, thể, mỹ; tham gia quản lý và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, các thiết chế văn hoá, thể dục, thể thao. Bên cạnh đó, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thể dục, thể thao, cung cấp các dịch vụ y tế, sức khoẻ cho thanh niên.
Đối với thanh niên dân tộc thiểu số, Nhà nước cũng cần phải có chính sách ưu tiên trong học nghề, giải quyết việc làm và vay vốn phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; cấp học bổng và hỗ trợ chỗ ở cho thanh niên dân tộc thiểu số của hộ nghèo, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi được cử theo học các chương trình đào tạo sau đại học; xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số được địa phương cử tuyển đi học đại học, cao đẳng; trợ cấp xã hội và các chính sách hỗ trợ khác đối với thanh niên dân tộc thiểu số được cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên tại các cơ sở dạy nghề công lập; các doanh nghiệp đóng trên địa bàn địa phương ưu tiên tuyển dụng các trường hợp này khi có nhu cầu sử dụng lao động.
Đối với thanh niên xung phong, các đại bểu cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện để thanh niên thực hiện vai trò xung kích phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh; ban hành chính sách ưu đãi, phúc lợi cho thanh niên xung phong tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc; thanh niên xung phong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng thời, thực hiện các chính sách đối với cựu thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kì kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với thanh niên tình nguyện, Nhà nước cần có chính sách đảm bảo điều kiện hỗ trợ, động viên, khen thưởng và các chính sách khác cho các hoạt động tình nguyện của thanh niên.
Riêng đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, các đại biểu nhấn mạnh, chúng ta cần bảo đảm phân luồng giáo dục, tư vấn hướng nghiệp, tạo điều kiện để thanh niên định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và gia đình; trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bạo lực, xâm hại tình dục, lạm dụng sức lao động và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần. Bên cạnh đó, Nhà nước có cơ chế, chính sách và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thanh niên ở giai đoạn này./.