KẾT QUẢ HỘI THẢO PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC

24/02/2020

Thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và Kế hoạch số 56/KH-ĐGS ngày 25/12/2019 của Đoàn giám sát, ngày 13/01/2020, Đoàn giám sát đã tổ chức Hội thảo về “Phòng chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục” tại thành phố Hà Nội do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận đối với 8 bài tham luận về những nội dung liên quan đến chuyên đề của Hội thảo, như:Thực trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục ở Việt Nam hiện nay; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục; công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ sở giáo dục; kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của từng chủ thể liên quan; giải pháp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục…

Thực trạng xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục hiện nay

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, tình trạng xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và chủ yếu dưới các hình thức bạo lực và xâm hại tình dục (Bạo lực về mặt thể chất; bạo lực tinh thần; xâm hại tình dục). Trong đó, tình trạng bạo lực học đường gia tăng (học sinh đánh nhau, giáo viên bạo hành học sinh, học sinh hành hung giáo viên…) diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát Phan Thanh Bình chủ trì hội thảo

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, thực trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ có học sinh nam mà cả ở học sinh nữ, không chỉ đối với học sinh mà liên quan tới cả thầy, cô giáo, không chỉ trong nhà trường mà còn từ gia đình và xã hội. Điều đó đã phản ánh thực trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ học sinh và một số giáo viên, trong tổng thể sự xuống cấp về đạo đức xã hội nói chung.

Về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục, các ý kiến cho rằng công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng quan tâm thực hiện, qua đó đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống xâm hại trẻ em khá đầy đủ như Hiến pháp 2013; nhóm các văn bản quy định về phòng ngừa: Luật Trẻ em, Luật Giáo dục, Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Công nghệ thông tin, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng...; nhóm các văn bản quy định về việc xử lý các hành vi xâm hại trẻ em gồm Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định việc thi hành biện pháp tư pháp và hình phạt đối với trẻ em phạm tội, việc thi hành các biện pháp bồi thường thiệt hại cho trẻ em là nạn nhân của tội phạm, các thiết chế bảo vệ trẻ em có liên quan đến hệ thống tư pháp như Luật Tổ chức tòa án, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự... và các nghị định của Chính phủ.

Ngoài các văn bản pháp luật nêu trên, có một số chương trình, đề án có liên quan đến việc phòng, chống trẻ em vi phạm pháp luật, tội phạm xâm hại trẻ em, ví dụ Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, Chương trình bảo vệ trẻ em… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó tích hợp nội dung giáo dục phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; giáo dục kĩ năng sống vào chương trình của một số môn học, hoạt động giáo dục, ngoại khóa; xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.

Các đại biểu cho rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được các bộ ngành, địa phương quan tâm thực hiện và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em còn  những hạn chế, bất cập. Các đại biểu cũng chỉ ra rằng vẫn xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục tại một số địa phương gây tâm lý lo ngại cho phụ huynh, xã hội. Một số cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn hiện tượng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc; cơ sở vật chất học đường nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương (chưa đủ trang thiết bị, nguồn lực; tường rào chưa bảo đảm được công tác an ninh, ký túc xá cho học sinh ở xa). Trong các cơ sở giáo dục nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội chưa có biên chế; chức danh giám thị chưa có quy định cụ thể nên năng lực bảo vệ, quản lý an ninh trật tự trong trường học còn hạn chế. Kinh phí để tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ lên lớp còn hạn chế, công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn; Bộ máy làm công tác trẻ em cấp cơ sở có nơi còn chưa đáp ứng được quy định của pháp luật, việc trao đổi thông tin giữa cán bộ bảo vệ trẻ em và cơ sở giáo dục chưa thường xuyên, kịp thời.

Kiến nghị đẩy mạnh phòng chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục

Trước thực trạng về xâm hại trẻ em tại các cơ sở giáo dục, các đại biểu thảo luận và đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế điều hành, phối hợp để triển khai có hiệu quả về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em: Chính phủ cần ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 138 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục; ban hành Thông tư qui định khen thưởng, kỷ luật học sinh phổ thông...

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Kịp thời ban hành, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo triển khai liên quan đến nhiệm vụ luật giao; biên soạn các tài liệu hướng dẫn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em như: Chỉ thị số 20/CT-TW, Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị về phòng, chống tội phạm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Luật Trẻ em (2016); Luật Phòng, chống mua bán người; Luật sửa đổi, bổ sung  một số điều của Bộ luật Hình sự (2015); Chương trình quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020; Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, các nghị định, thông tư liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục.

Ban hành các văn bản pháp luật về công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, gắn công tác này với công tác bảo vệ trẻ em. Đồng thời sớm có văn bản hướng dẫn, xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo về hành vi xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục để thống nhất về nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý các vụ án liên quan đến bạo lực gia học đường để việc áp dụng được đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Tăng cường chế tài cũng như chế định đối với hành vi xâm hại phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình; Đề xuất trong nghị định xử lý vi phạm hành chính, xử phạt cũng tăng cường thêm chế tài để xử phạt đối với các hành vi bạo lực gia đình.

Đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục. Đề nghị các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức, nhất là giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho chính đối tượng là trẻ em và cho bố mẹ, thầy cô giáo, người thân của các em với những hình thức, nội dung phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng, địa phương, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng; nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.

Bảo Yến