UBTVQH XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ, CẤP HUYỆN TẠI 6 TỈNH, THÀNH PHỐ

10/02/2020

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 42, chiều ngày 10/02, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, cấp huyện của 6 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng.

Báo cáo  tờ trình về Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã, cấp huyện của 6 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập các ĐVHC đô thị của 6 tỉnh, thành phố đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/02.

Trên cơ sở phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án chi tiết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên các địa bàn liên quan; HĐND các cấp của các tỉnh, thành phố đã họp và đều tán thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021.

Đối với các nội dung đề nghị điều chỉnh mở rộng ĐGHC và thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lào Cai cũng đã bảo đảm đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định, báo cáo Chính phủ xem xét. Chính phủ đã thông qua và có các Tờ trình kèm theo hồ sơ đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng các tỉnh, thành phố đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này và các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp nhưng vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định

Căn cứ các khoản 2, 3 Điều 2 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, tại hồ sơ đề án của các tỉnh, thành phố cũng đã giải trình rất chi tiết các lý do chưa tiến hành sắp xếp một số ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 hoặc khi thực hiện sắp xếp nhưng ĐVHC mới hình thành chưa đạt tiêu chuẩn mà không thể nhập thêm ĐVHC cùng cấp khác liền kề nhằm tăng quy mô diện tích tự nhiên, dân số để đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Chính phủ xét thấy giải trình của UBND các tỉnh, thành phố là phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của các địa phương.

Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Đề án của các tỉnh, thành phố đã nêu chi tiết các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Trong đó, mặc dù Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chậm nhất 05 năm sau sắp xếp thì số lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên chế cán bộ, công chức tại các ĐVHC mới phải bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên, đề án của các tỉnh, thành phố đều phấn đấu việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết dôi dư sẽ hoàn thành trước năm 2022.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo Tờ trình về Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã, cấp huyện của 6 tỉnh, thành phố.

Về việc nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng, trên cơ sở báo cáo đề xuất của Tỉnh ủy Cao Bằng, Chính phủ đã có Báo cáo số 39/BC-CP ngày 01/02/2020 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải trình thêm phương án nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng.

Liên quan đến yếu tố lịch sử, trước đây, tổng Trà Lĩnh tách ra khỏi phủ Trùng Khánh để thành lập châu Trấn Biên (năm 1942) và đổi tên thành huyện Trà Lĩnh (năm 1958); huyện Phục Hòa nhập với huyện Quảng Uyên để thành lập huyện Quảng Hòa (năm 1967). Đến năm 2001, huyện Phục Hòa tách khỏi huyện Quảng Hòa để tái lập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên.

Quá trình xây dựng phương án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện nêu trên, tỉnh Cao Bằng và Chính phủ cũng đã xem xét thấu đáo các yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội. Cử tri trên địa bàn các huyện nhất trí cao các phương án sắp xếp (tỷ lệ đồng ý đạt 94,94%).

Khi lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, các Bộ có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, biên giới (Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường) cũng nhất trí với phương án nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện nêu trên của tỉnh Cao Bằng để sớm ổn định về tư tưởng của nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, có thời gian tập trung chỉ đạo phương án bố trí nhân sự tại các ĐVHC mới được thành lập, tạo thuận lợi cho hệ thống chính trị tại các ĐVHC mới đi vào hoạt động có hiệu quả và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện 6 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng.


Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại Phiên họp.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa lịch sử của địa phương và phải đảm bảo an ninh quốc phòng.

Về việc nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng cũng phải xem xét kỹ về các yếu tố tác động về tình hình quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội và yếu tố lịch sử.

Đồng ý với quan điểm như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu còn yêu cầu Chính phủ, tỉnh Cao Bằng cần báo cáo rõ hơn về đánh giá tác động của các tỉnh đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện. Theo đó, cần báo cáo rõ hơn ý kiến của các cấp, ngành, đông đảo nhân dân về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện của tỉnh Cao Bằng.


 Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng giải trình thêm về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh.

Giải trình thêm về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nêu rõ: Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện của tỉnh đã được thảo luận rõ giữa các cơ quan, đơn vị, cấp huyện, cấp xã để không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, điều kiện kinh tế-xã hội, yếu tố văn hóa lịch sử. Đề án sắp xếp cũng đã được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng cũng mong muốn vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh sẽ được thông qua tại Phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Tại phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí chỉ xem xét thông qua đề án của tỉnh trong phạm vi sáp nhập huyện Thông Nông vào huyện Hà Quảng và tiến hành sắp xếp với 76 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Cao Bằng.

Còn việc sáp nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, tỉnh Cao Bằng tiếp tục xem xét, nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo xem xét tại Phiên họp lần thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 02/2020.

Tuy nhiên, vì thời gian làm việc trong ngày 10/02 của Phiên họp đã kết thúc nên việc cho ý kiến thống nhất và biểu quyết thông qua việc sáp nhập các huyện của tỉnh Cao Bằng và vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện của các tỉnh khác vẫn tiếp tục diễn ra vào ngày 11/02./.

Bích Lan-Nghĩa Đức