ĐỀ NGHỊ GIỮ TỶ LỆ QUY ĐỊNH QUÂN NHÂN DỰ PHÒNG ĐƠN VỊ DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN TỪ 10- 15%

12/11/2019

Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên.

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, nội dung về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên là nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến góp ý. Một số ý kiến cho rằng, quy định tỷ lệ dự phòng từ 10% đến 15% là thiếu căn cứ và khó khả thi; một số ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ lên 15% đến 20%; có ý kiến đề nghị giảm tỷ lệ này xuống để tránh tốn kém và lạm dụng trong tổ chức thực hiện.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, quy định đơn vị dự bị động viên phải duy trì đủ quân số quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15% như dự thảo luật hiện tại là không khả thi. Đại biểu đề nghị cân nhắc lại cho phù hợp với thực tế để dễ dàng cho địa phương quản lý quân nhân dự bị.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Hồ Văn Thái- Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, cho rằng tỷ lệ dự phòng 10% đến 15% như dự thảo Luật là phù hợp. Đại biểu nhấn mạnh, quân nhân dự bị phần lớn là trụ cột trong gia đình, số đông thường đi làm ăn xa; quá trình huy động không thể có mặt do ốm đau, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc các trường hợp bất khả kháng...nên cần thiết có tỷ lệ dự phòng. Việc quy định tỷ lệ dự phòng 10% đến 15% bảo đảm tính bổ sung kịp thời, bảo đảm cho đơn vị dự bị động viên hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng này cũng cần có kế hoạch huấn luyện hợp lý, để bảo đảm thường xuyên được cọ xát trong huấn luyện.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ: Quy định tỷ lệ dự phòng tại dự thảo Luật là Luật hóa Điều 10 Nghị định số 39/CP ngày 28/4/1997 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, là cần thiết, phù hợp với yêu cầu tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên, bảo đảm chủ động về nguồn cho các địa phương, vì nhiều khi quân nhân dự bị có lý do chính đáng không thể thực hiện được lệnh huy động, như: bị bệnh tật, ốm đau, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Mặt khác, tỷ lệ này nằm trong nguồn đã đăng ký, quản lý nhưng chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên nên không làm tăng ngân sách. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo Chính phủ trình./.

Thu Phương