ĐẨY MẠNH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GẮN VỚI ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG MỘT CÁCH THỰC CHẤT

21/10/2019

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến năm 2020 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo một số nội dung

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong năm 2020 cần triển khai tích cực đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp, như công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất robot, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp dược phẩm, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, công nghiệp chế biến sâu đối với sản phẩm nông lâm, thủy sản và vật liệu mới đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; cơ cấu lại các nguồn năng lượng, bảo đảm cho nhu cầu phát triển của đất nước trong dài hạn theo hướng bền vững và khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Tiếp tục thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo 3 trục sản phẩm chủ lực (Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm chủ lực địa phương, theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”); tổ chức lại sản xuất, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; nhân rộng mô hình "Liên kết 4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; tiếp tục hướng dẫn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn, trọng tâm là chuyển sang trồng rau đậu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn; gia tăng xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng. Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức hữu cơ truyền thống; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Đề án cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản; phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng; nâng cao hiệu quả khai thác biển. Đồng thời, đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của quốc tế về nuôi trồng và đánh bắt hải sản; tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; nhất là việc hướng dẫn, quản lý việc đánh bắt hải sản theo đúng các quy định ở trong nước và phù hợp với quốc tế; thúc đẩy xuất khẩu thủy sản. Đa dạng hóa mô hình, chủng loại thủy sản nuôi trồng, tập trung vào loại có lợi thế xuất khẩu.

Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển của đất nước, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ, điều hoà nguồn nước, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; đảm bảo cung cấp phần lớn gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy. Tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng, ngăn chặn xử lý hiệu quả vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng.

Toàn cảnh Phiên họp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Phát triển hệ sinh thái số với các nền tảng dùng chung để phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp lý về vùng; nghiên cứu hệ thống luật pháp quy định về chính quyền địa phương cần phù hợp để hoàn thiện thể chế vùng. Tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng để phát huy lợi thế cạnh tranh và khắc phục tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong phát triển. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng. Nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành và triển khai thực hiện hiệu quả. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng và liên kết vùng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bước sang năm 2020, mặc dù có một số yếu tố thuận lợi, nhưng bối cảnh trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn; yêu cầu toàn hệ thống cần kiên định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cải cách mạnh mẽ để kinh tế nhà nước, với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập; đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính đối với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ các rào cản vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cơ bản xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém./.

Hồ Hương