PHÒNG NGỪA TAI NẠN GIAO THÔNG LIÊN QUAN ĐẾN SỬ DỤNG RƯỢU BIA

22/08/2018

Tại buổi tọa đàm chuyên gia do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức vào chiều 20/8, đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định nhiều biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang trình bày một số nội dung

Dự luật quy định một số biện pháp giảm tác hại của rượu, bia

Tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, Dự thảo Luật Phòng chống tại hại của rượu, bia quy định các biện pháp giảm tác hại bao gồm: phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; sàng lọc, phát hiện, điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện rượu, bia; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia. Đối với biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, dự thảo quy định việc chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông để làm căn cứ phát hiện vi phạm cũng như giảm tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Theo Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang, mặc dù Ủy ban an toàn giao thông quốc gia và nhiều bộ ngành đề nghị giảm nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển mô tô, xe máy nhưng để bảo đảm tính thống nhất, nội dung này sẽ được điều chỉnh khi sửa các Luật về giao thông.

Bên cạnh đó, đại diện cơ quan soạn thảo cũng nêu rõ, luật quy định một số biện pháp giảm tác hại của rượu, bia bằng điều trị, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu bia; quy định các biện pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi tác hại cảu rượu, bia trong đó gắn trách nhiệm của các cơ sở y tế, Ủy ban nhân dân cấp xã trong chủ động phòng ngừa và can thiệp kịp thời để phòng chống tác hại rượu bia.

Chia sẻ thêm tại tọa đàm, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo đã đánh giá và có báo cáo riêng về tác động của Luật đối với Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; kiểm soát thủ tục hành chính, không phát sinh thủ tục hành chính mới, đề xuất cắt giảm thủ tục cấp phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ để đảm bảo tính khả thi.

Không hình thành văn hóa sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

Thảo luận tại tọa đàm, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, giải pháp lý tưởng nhất là cấm tuyệt đối không sử dụng rượu, bia khi lái xe, như một số ít quốc gia Cộng hòa Czech, Romania, Slovakia đã áp dụng. Tuy nhiên thực tế cuộc sống là người dân có nhu cầu sử dụng rượu bi một cách hợp lý và nhu cầu này cần được tôn trọng. Quan trọng hơn, một số thực phẩm mà chúng ta ăn, thậm chí nước súc miệng… cũng có nồng độ cồn nhất đinh. Việc quy định cấm tuyệt đối có thể tạo ra những tranh cãi pháp lý hết sức phức tạp và do đó ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu lực thực thi. Do đó, hiện Việt Nam  áp dụng đồng bộ mức 50mg/100ml máu cho người điều khiển tất cả các loại phương tiện, cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe chuyên nghiệp và nghiêm túc thực thi sẽ là một thành công lớn trong lĩnh vực này.

Đại diện một số bộ, ngành tham dự tọa đàm

Bên cạnh đó, các đại biểu nhận định, văn hóa sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cần được xây dựng trên 4 yếu tố cốt lõi: xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật trong đó bao gồm cả quy định về nồng độ cồn, các hành vi cho phép/vi phạm có liên quan và xử phạt; tuyên truyền giáo dục về các quy định pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của cộng đồng; xây dựng môi trường để người dân có thể thực hiện được các quy định của pháp luật một cách thuận tiện; bảo đảm có thể kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm một cách hiệu quả. Bốn yếu tố này hòa quyện và có quan hệ thống nhất chặt chẽ với nhau, thiếu một trong bốn yếu tố trên không hình thành văn hóa sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Chính vì vậy các cơ quan có liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp là những cơ quan có vai trò và tiếng nói quan trọng trong luật này.

Quan tâm đến mục tiêu của toàn bộ Dự thảo Luật, không chỉ đơn thuần là các biện pháp giảm tác hại của rượu bia, một số ý kiến chỉ rõ, Dự thảo Luật cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chính để đạt được những mục tiêu đã đề ra: Thứ nhất, tăng cường kiểm soát đồ uống có cồn bất hợp pháp, bao gồm các sản phẩm sản xuất thủ công, nhập lậu, giả, chất lượng kém nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Thứ hai, thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng thông qua tuyên truyền và giáo dục ở cấp cơ sở như trường học, cộng đồng địa phương, và trong gia đình. Thứ ba, tăng cường thực thi pháp luật thông qua kiểm tra, giám sát thường xuyên và các chế tài nghiêm ngặt.

Hồ Hương