GÓP Ý XÂY DỰNG LUẬT HÀNH CHÍNH CÔNG: XÁC ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CỐT LÕI CẦN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

19/08/2018

Thảo luận tại Hội nghị tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến Dự án Luật Hành chính công diễn ra tại Hà Nội vừa qua, các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành một luật về hành chính công. Ủy viên Thường trực Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh chủ trì hội nghị.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 8/6/2016 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 ngày 01/12/2016 thành lập Ban Soạn thảo dự án Luật hành chính công; Nghị quyết số 57/2018/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công đã phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan để tổ chức tổng kết việc thi hành pháp luật liên quan đến các nội dung chính của dự án luật hành chính công. Qua khảo sát thực tế cho thấy băn khoăn, vướng mắc chủ yếu tại các bộ ngành và địa phương là giải quyết thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 13, ý kiến của Chính phủ về dự án Luật Hành chính công, Ban soạn thảo đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự án luật hơn trước, tập trung quy định về thủ tục hành chính, dịch vụ công, trách nhiệm, mối quan hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan, những điểm nhấn mà luật cần giải quyết xoay quanh trục thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính công. Hiện nay các quy định về thủ tục hành chính đã được các luật chuyên ngành quy định nhưng đưa ra tiêu chuẩn của một nền hành chính hiện đại phục vụ thì chưa có. Tiêu chuẩn của một thủ tục, tiêu chuẩn trong việc ban hành, tiêu chuẩn trong việc thực hiện, cung ứng những nội dung này cần được xác định để các luật, nghị định tuân theo và phải bảo đảm khi ban hành.

Kiểm soát thủ tục hành chính và cơ chế một cửa cũng mới chỉ được quy định ở tầm nghị định trong khi các bộ chuyên ngành vẫn tham mưu xây dựng luật, nghị định trong đó nhiều văn bản ra sau phủ định văn bản ban hành trước. Vì vậy cần phải luật hóa các quy định về thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ hành chính công.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan phát biểu tại hội nghị

Nếu dự thảo Luật tập trung giải quyết những vấn đề về thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính công thì sẽ thực hiện được mục tiêu rất quan trọng đó là góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng nền hành chính kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, dự thảo luật cần tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Trong nền hành chính phục vụ thì người dân doanh nghiệp là khách hàng. Bởi thực tế, các quy định về thủ tục hành chính cơ bản là xin-cho, quy định thiếu thuận lợi, thiếu rõ ràng minh bạch. Người dân đi làm thủ tục rất nặng giấy tờ, các cán bộ sợ trách nhiệm nên yêu cầu người dân phải xin xác nhận, xác minh qua rất nhiều cửa.

Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính đặt vấn đề, tại các địa phương khi xây dựng trung tâm hành chính công có nghĩ đến người dân, có nghĩ đến nhu cầu thực sự của người dân khi giải quyết công việc hay là ý chí của người lãnh đạo quyết định. Trong khi kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia khi xây dựng trung tâm hành chính công đều có tiến hành khảo sát, xác định tiêu chí để đặt trung tâm hành chính công và lấy ý kiến người dân về vị trí có phù hợp, loại dịch vụ hành chính nào thì cần thực hiện tại trung tâm hành chính công.

Vì vậy trong quá trình soạn thảo Luật Hành chính công, Ban soạn thảo cần nghĩ đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp để xây dựng một nền hành chính kiến tạo phục vụ, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, nếu nhìn lại hệ thống pháp luật về thủ tục hành chính với 160 thủ tục hành chính cấp xã phường, 300 thủ tục cấp huyện và trên 1000 thủ tục cấp tỉnh thì yếu tố công khai minh bạch cho người dân khó có thể thực hiện được bởi các bộ phận cấu thành hoàn thiện 1 thủ tục nằm rải rác từ luật, nghị định đến thông tư, một thủ tục được quy định ở nhiều văn bản và mỗi văn bản dài hàng chục trang. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra yêu cầu cải cách tại các địa phương, đơn vị phải công bố bộ thủ tục hành chính nhưng thủ tục hành chính hiện nay lại không có quy định về tiêu chuẩn, có những bộ phận nào cấu thành, đăng kí thủ tục ban hành. Đồng thời, trách nhiệm giải trình của người làm thủ tục hành chính cũng như trách nhiệm của người tham mưu, xây dựng quy định về quy trình thủ tục mà những quy định rõ gây ra gánh nặng hành chính, ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân tổ chức, cơ quan nhà nước chưa được xác định rõ. Văn bản khi được ban hành thực tế hiệu quả đến đâu, người dân doanh nghiệp vướng mắc đến đâu, trách nhiệm của những người có liên quan không được xem xét thấu đáo. Vấn đề giải quyết kiến nghị của người dân gửi đến cơ quan hành chính cũng chưa được xem xét mọt cách đầy đủ.

Ngoài ra, tác động của cách mạng 4.0 và bối cảnh hội nhập đặt ra vấn đề phải nhìn ra bên ngoài, theo kịp ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng chính phủ điện tử, cổng hành chính công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử là những vấn đề cần được đặt ra, phải có những quy định để có giải pháp công nghệ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Cũng cần phải có cơ chế đánh giá và mức độ hài lòng của người dân doanh nghiệp, tiếp cận với chỉ số KPI – đo đếm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan hành chính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến góp ý về một số nội dung của dự thảo Luật Hành chính công

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến cho rằng, qua tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, triển khai xây dựng trung tâm hành chính công, ứng dụng cung ứng dịch vụ công, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, nghiên cứu để xây dựng các quy định của luật khắc phục được những bất cập hiện nay. Trong đó, luật cần đưa ra được nội dung, nguyên tắc phổ quát để tất cả các địa phương, bộ, ngành cùng thực hiện như xây dựng cổng trực tuyến thì phải chung form mẫu, phần mềm cơ sở hạ tầng, mô hình tổ chức của trung tâm hành chính, cơ chế phối hợp.

Hiện nay, Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ dự án luật để kịp trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới./.

Bảo Yến