MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT CHĂN NUÔI (P.2)

10/08/2018

Tiếp thu ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Chăn nuôi tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Ban soạn đã có báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Chăn nuôi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Chăn nuôi tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Về giống và sản phẩm giống vật nuôi (Chương II)

Báo cáo của Thường trực ghi nhận tính phù hợp trong việc chỉnh sửa tại Mục 2, Chương II về sản xuất, mua, bán sản phẩm giống vật nuôi. Theo đó, tổ chức, cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh giống, sản phẩm giống vật nuôi đáp ứng các yêu cầu đối với sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường quy định tại Điều 15. Dự thảo Luật bổ sung giải thích thuật ngữ về giống cụ kỵ, giống ông bà, giống bố mẹ. Đồng thời, quy định điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất giống tương ứng với từng phẩm cấp để quản lý một cách có hệ thống, sử dụng có hiệu quả từng loại giống phù hợp với xu thế của khu vực và quốc tế. Vì đực giống và tinh, phôi có vai trò quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi trong nước, nên trong Dự thảo Luật đã bổ sung quy định việc nhập khẩu đực giống, tinh, phôi vật nuôi nhưng phải được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đồng ý bằng văn bản (khoản 4, Điều 17). Ngoài ra, để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống, đặc trưng của Việt Nam, Điều 16 đã quy định Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu. Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung chính sách của nhà nước trong bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa (điểm b, khoản 1, Điều 4).

Cũng liên quan tới khía cạnh này, Báo cáo ghi nhận một số ý kiến các vị ĐBQH đề nghị rà soát quy định việc quản lý, tiếp cận chia sẻ, nguồn gen để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của Luật đa dạng sinh học. Theo đó, Dự thảo luật đã được sửa dổi theo hướng thống nhất quản lý nguồn gen giống vật nuôi, còn tổ chức, cá nhân tham gia quản lý bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi theo phương thức đã được quy định trong pháp luật về ĐDSH. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan trong bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi để tránh mâu thuẫn, chồng chéo (Điều 10 và Điều 11). Mặt khác, Dự thảo Luật quy định chỉ được nghiên cứu khoa học về nhân bản vô tính vật nuôi; phải đánh giá rủi ro trước khi sử dụng vật nuôi biến đổi gen. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc nghiên cứu và sử dụng 02 loại vật nuôi này (Điều 14).

Trước những đề xuất ĐBQH đề nghị giảm thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi nhưng vẫn kiểm soát được chất lượng giống vật nuôi, Ban soạn thảo đã sửa đổi quy định chỉ bắt buộc khảo nghiệm đối với dòng, giống vật nuôi mới được tạo ra trong nước hoặc nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam. Để tạo điều kiện đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và kinh doanh thì không yêu cầu khảo nghiệm đối với dòng, giống vật nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép (khoản 2, Điều 22). Tổ chức, cá nhân được tham gia, thực hiện việc khảo nghiệm tại các cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm (Điều 23); quy định rõ trường hợp phải kiểm định dòng, giống vật nuôi (Điều 24); quy định rõ trình tự, thủ tục công nhận dòng, giống vật nuôi mới (Điều 26).

Về thức ăn chăn nuôi (Chương III)

Đóng góp ý kiến và dự thảo luận, có nhiều Đại biểu cho thấy cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, vì đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và ATTP; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính. Tiếp thu ý kiến nêu trên, Báo cáo cho biết Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã luật hóa những quy định về thức ăn chăn nuôi tại Nghị định 39/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã được kiểm nghiệm trong thực tế. Để bảo đảm ATTP, quản lý hiệu quả chất lượng thức ăn chăn nuôi, Dự thảo Luật quy định thức ăn thương mại phải có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện; phải được công bố sản phẩm trên Cổng thông tin của Bộ NN&PTNT (Điều 28) với trình tự, thủ tục được quy định rõ ràng từ Điều 29 đến Điều 32.

Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng đã được bổ sung quy định quản lý đối với từng loại thức ăn chăn nuôi: đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung, theo tập quán và nguyên liệu đơn; bổ sung quy định về sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng cho người sang làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn đã giảm đáng kể, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.Báo cáo cũng đồng tình với ý kiến của ĐBQH theo hướng quy định cụ thể nội dung kiểm tra, cơ quan kiểm tra, chế độ kiểm tra và cách thức xử lý kết quả kiểm tra trong Dự thảo Luật để bảo đảm ATTP và thực hiện việc kiểm tra một cách thống nhất, tránh tùy tiện trong hoạt động kiểm tra.

Đối với quy định về khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng chỉ khảo nghiệm đối với thức ăn chăn nuôi lần đầu tiên được nhập khẩu, thức ăn sản xuất trong nước có chứa chất mới; doanh nghiệp tự khảo nghiệm tại các cơ sở khảo nghiệm đủ điều kiện theo quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng thức ăn do mình sản xuất.

Các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về Luật Chăn nuôi

Đặc biệt quan trọng, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh một cách chặt chẽ. Theo đó, chỉ được phép sử dụng kháng sinh thuộc Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam (khoản 1, Điều 44); nghiêm cấm “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam”(khoản 2, Điều 9), “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng”(khoản 12, Điều 9); chỉ được sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non khi có kê đơn của bác sỹ thú y (khoản 2, Điều 44).

Về điều kiện cơ sở chăn nuôi (Mục 1, Chương IV)

Về vấn đề này, có nhiều kiến đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến, bảo đảm ATTP và BVMT. Tiếp thu ý kiến nêu trên, Dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm về đơn vị vật nuôi (khoản 36, Điều 2) làm căn cứ xác định quy mô chăn nuôi (Điều 55) và mật độ chăn nuôi (Điều 56). Trên cơ sở đó, quy định các điều kiện cụ thể về vị trí, khoảng cách, yêu cầu BVMT đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, chăn nuôi nông hộ (Điều 52); đồng thời, tùy từng thời kỳ mà Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, giảm dần chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nhưng vẫn bảo đảm sinh kế và tập quán chăn nuôi của người dân.

Ngoài ra, về vấn đề quy định về khoảng cách xây dựng cơ sở chăn nuôi để bảo đảm an toàn dịch bệnh và tính khả thi của quy định này trong thực tế, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy mức độ ảnh hưởng của cơ sở chăn nuôi đến khu vực xung quanh phụ thuộc vào trình độ công nghệ áp dụng, loại hình chăn nuôi, quy mô và đối tượng vật nuôi, do đó, để đảm bảo tính khả thi của quy định này trong thực tế Dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung về khoảng cách đối với trang trại chăn nuôi và giao Chính phủ quy định cụ thể (khoản 2, Điều 52). Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hơn nội dung này từ Điều 58 đến Điều 61 để sử dụng chất thải chăn nuôi như một nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, cho sản xuất phân bón hữu cơ, phù hợp hơn với quy mô và loại hình chăn nuôi.

Liên quan tới các soát quy định đăng ký, kê khai chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đăng ký, kê khai chăn nuôi, Dự thảo Luật quy định chỉ cấp Giấy chứng nhận đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn; tổ chức, cá nhân được chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 52 mà không cần phải xin phép; cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện hậu kiểm để bảo đảm vệ sinh ATTP, BVMT và thú y. Tuy nhiên, để bảo đảm công tác thống kê, phòng bệnh, hỗ trợ thiệt hại Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về kê khai chăn nuôi. Theo đó, tổ chức, cá nhân chỉ phải thực hiện kê khai chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã những loại vật nuôi cụ thể như gia súc, gia cầm do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định. Đồng thời, bổ sung quyền lợi của người chăn nuôi khi thực hiện kê khai chăn nuôi tại điểm a, khoản 1, Điều 54./.

Nguyễn Ngân