Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tòa án

21/03/2010

Cuối giờ chiều 19/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn. (Ảnh: Thái Bình/TTXVN)

Phần trình bày bằng văn bản của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình tập trung vào bốn nhóm vấn đề như giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm Thẩm phán; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về hoạt động xét xử của tòa án nhân dân các cấp.

 

Vấn đề xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai và công tác bồi thường oan sai trong hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQuốc hội ra ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân các cấp và hoạt động hướng dẫn chuyên môn của Tòa án Nhân dân tối cao đối với loại vụ việc này.

 

Số lượng và chất lượng của đội ngũ thẩm phán, liên quan tới hiệu quả và chất lượng của công tác xét xử, là nội dung được các đại biểu quan tâm chất vấn hơn cả.

 

Xây dựng đội ngũ thẩm phán giỏi phải bắt đầu từ khâu đào tạo

 

Trả lời đại biểu Vũ Quang Hải, tỉnh Hưng Yên, về việc số án bị hủy, bị sửa còn cao là do thiếu thẩm phán, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng để khắc phục tình trạng tỷ lệ án bị hủy, bị sửa cao, khiếu nại bức xúc kéo dài, trước hết phải đặt vấn đề nâng cao chất lượng thẩm phán.

 

Đây là vấn đề liên quan đến quá trình đào tạo bậc đại học, sau đó là đào tạo về nghiệp vụ xét xử, sự tự rèn luyện và tự học tập của thẩm phán, đào tạo nâng cao trình độ; trách nhiệm của nhiều cơ quan, nhiều cấp, ngành, trong đó có trách nhiệm của cá nhân thẩm phán.

 

Chánh án cho rằng cần đánh giá kết quả giáo dục ở bậc đại học, cùng đó là biện pháp tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với ngành tòa án trong việc đào tạo nghiệp vụ xét xử, phân định rõ trách nhiệm của hai ngành đối với kết quả đào tạo. Mặt khác cũng không loại trừ trách nhiệm chủ quan của thẩm phán trong việc để chất lượng xét xử kém?

 

Giải pháp để khắc phục tình trạng án hủy, án sửa nhiều là phải có biện pháp đảm bảo thực hiện tốt các thủ tục tố tụng, ngay từ sơ thẩm, phúc thẩm; đồng thời nâng cao kỷ luật công vụ, kỷ luật ngành, xử lý nghiêm các vi phạm.

 

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và quan trọng không kém là nâng cao chất lượng thẩm phán; cơ bản là các thẩm phán đều đề cao tinh thần trách nhiệm, tuy nhiên cũng có nhiều vụ việc thu thập tài liệu, chứng cứ khó khăn, ông Chánh án nói.

 

Trả lời câu hỏi, cũng liên quan đến chất lượng thẩm phán, của đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng nguyên nhân là do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

 

Với số lượng hiện nay, làm việc hết công suất cũng chỉ được 1/3 công việc, vừa qua để đạt được tỷ lệ 40%, đội ngũ thẩm phán đã phải cố gắng làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật. Hướng giải quyết hiện nay là phân các tòa chuyên trách khác tham gia và huy động lực lượng thẩm phán các tòa phúc thẩm.

 

Ông Chánh án thừa nhận thực chất cũng có nguyên nhân từ phía thẩm phán, tình trạng tiêu cực là có nhưng không phổ biến, đây là vấn đề nhức nhối của ngành. Giải pháp đặt ra là nâng cao hơn nữa đạo đức trách nhiệm, xử lý nghiêm những thẩm phán vi phạm. Liên quan đến tình trạng đơn thư kháng nghị tồn đọng nhiều, Chánh án khẳng định không có chuyện “găm đơn” để đợi đến khi hết thời hiệu như dư luận, nếu có cũng là cá biệt, không phổ biến.

 

Một vấn đề nữa được đại biểu Nguyễn Văn Thuận chất vấn là tình trạng thẩm phán ra bản án không thi hành được, theo thống kê là khoảng trên dưới 1.000 vụ, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết trong thực tế có nhiều bản án tòa án tuyên không rõ ràng dẫn đến việc thi hành khó. Do đó cần phân biệt khó thi hành là do nguyên nhân nào, quy định của pháp luật chưa rõ ràng hay do trình độ, năng lực của thẩm phán còn hạn chế, để có cách xử lý cụ thể.

 

Về giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu số lượng và còn yếu về chất lượng của đội ngũ thẩm phán, nhất là trong bối cảnh chủ trương tăng thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện, của Trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết hiện đã tăng 450 thẩm phán so với năm 2007.

 

Để giải quyết tình trạng thiếu thẩm phán phải đi từ nhiều nguyên nhân như lương thấp, chế độ chính sách chưa rõ ràng... Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định về lương thâm niên đối với thẩm phán.

 

Một số giải pháp khác là tăng cường thẩm phán đến vùng sâu, vùng xa; cử tuyển thẩm phán; biệt phái, điều động với những chính sách kèm theo; có cơ chế đặc thù; mở rộng nguồn tuyển lựa.

 

Báo cáo của Chánh án Trương Hòa Bình nêu rõ: đào tạo tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán phải gắn với công tác và kinh nghiệm xét xử của ngành tòa án. Cơ chế đào tạo thẩm phán hiện nay vẫn chưa thực sự gắn được trách nhiệm đào tạo thẩm phán với việc nâng cao chất lượng xét xử của các tòa án.

 

Thực tiễn hoạt động xét xử đã chứng minh rằng công tác đào tạo thẩm phán có chất lượng mới tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng đội ngũ thẩm phán giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và vững vàng về bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng.

 

Hiện nay, Tòa án Nhân dân tối cao đang tiến hành triển khai xây dựng và thực hiện đề án nâng cao năng lực và quy mô của Trường cán bộ Tòa án.

 

Tiếp tục cải tiến hơn nữa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

 

Phát biểu kết luận cuộc họp chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: ngoài sự có mặt của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội, phiên họp này có gần 70 vị đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, Trung ương và các đại biểu Quốc hội có câu hỏi chất vấn tham gia.

 

Đã có gần 30 câu hỏi chất vấn bằng văn bản gửi tới và gẦN 30 lượt đại biểu phát biểu nêu câu hỏi với hơn 40 câu hỏi chất vấn đối với các bộ trưởng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

 

Chủ tịch Quốc hội nhận xét vấn đề nêu ra tại phiên họp này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt là phần chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

 

Nội dung chất vấn phong phú, đi vào nhiều vấn đề cụ thể, có chiều sâu, tập trung vào những vấn đề bức xúc, đang nổi lên, được dư luận xã hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm như kiềm chế lạm pháp, chống thất thu, bảo đảm chi công, quản lý nhà chung cư.

 

Các vị bộ trưởng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã trả lời nghiêm túc các câu hỏi chất vấn của các đại biểu. Việc chất vấn và trả lời chất vấn đã đi vào vấn đề, có chiều sâu, một số nội dung đã được làm rõ, giải quyết đến tận cùng.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng không khí chất vấn hơi trầm, ít trao đổi, tranh luận ít “có lửa”, câu hỏi và trả lời còn dài.

 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý điều này cần được rút kinh nghiệm tại các phiên chất vấn sau; và nhấn mạnh việc tiến hành chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, cần quan tâm khắc phục những hạn chế, tiếp tục cải tiến hơn hoạt động này.

 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan rà soát lại các văn bản pháp luật, các nghị quyết Quốc hội, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội để xây dựng chương trình của ngành, bộ sát với Chương trình hoạt động chung của Quốc hội; tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát đôn đốc việc tổ chức thực hiện một cách thường xuyên, ráo riết, quyết liệt.

 

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, có sự phân công, phân cấp và thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm. Sau phiên chất vấn này, Văn phòng Quốc hội phối hợp Ban công tác đại biểu khẩn trương hoàn thiện các văn bản gửi các đại biểu Quốc hội, các bộ trưởng, trưởng ngành được trả lời chất vấn triển khai thực hiện.

 

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan tư pháp và các bộ trưởng triển khai những vấn đề được các Phó chủ tịch Quốc hội đã lưu ý trong quá trình điều hành để triển khai thực hiện. Các đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội giám sát thực hiện những điều đã đặt ra tại phiên chất vấn.

 

Phiên chất vấn lần sau, các bộ trưởng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao có báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm quy trình nghiêm túc, chặt chẽ./.

Thanh Hòa-Hương Thủy

(http://www.vietnamplus.vn)