Việt Nam-Ấn Độ: ấm tình hữu nghị truyền thống

01/03/2010

Ấn tượng mà các bạn Ấn Độ dành cho Việt Nam là tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tinh thần chiến đấu, giành độc lập tự do của Việt Nam

Kết thúc chuyến thăm Cộng hoà Ấn Độ, sáng 28/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời bang Kartanaka, lên đường đi Jakarta, bắt đầu chuyến thăm thăm hữu nghị chính thức Indonesia.

Tạm biệt Ấn Độ - quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới, ấn tượng của đoàn Quốc hội Việt Nam về tình hữu nghị giữa hai nước thật sâu đậm.

Ngay từ khi chuyên cơ hạ cánh xuống thủ đô New Dehli, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đã nhận được những tình cảm trìu mến như đón những người thân lâu ngày trở về.

Trong tất cả các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cao nhất của Ấn Độ: Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, Thống đốc Bang Kartanaka, lãnh đạo Đảng Cộng sản Mác xít hay Đảng Cộng sản Ấn Độ... ấn tượng mà các bạn Ấn Độ dành cho Việt Nam là tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tinh thần chiến đấu, giành độc lập tự do của Việt Nam.

Cuộc gặp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với Thống đốc bang Kartanaka Bahardwaj kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ với những câu chuyện thật cảm động. Ngài Thống đốc ở tuổi gần 70 vẫn nhớ như in kỷ niệm được gặp Bác Hồ năm 1958, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức Ấn Độ, học được ở Người về đức hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân.

Chính Thống đốc cũng từng được sang thăm Việt Nam khi ông còn rất trẻ. Nhiều năm trôi qua, nhưng ngài Thống đốc vẫn tâm niệm sẽ sang thăm lại Việt Nam, để thấy rõ hơn những đổi thay của Việt Nam hôm nay. Khi chia tay, nhận bức tranh kỷ niệm về hoa sen của Việt Nam, ông rất xúc động khi hiểu về ý nghĩa “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” của loài hoa đặc biệt này…

Thống đốc cũng không quên nhờ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rằng, ông muốn có một bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để treo ở vị trí trang trọng nhất trong trụ sở Bang Kartanaka. “Đúng là một con người sâu sắc”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thốt lên như vậy và không quên dặn Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ sẽ giúp chuyển tới Ngài Thống đốc tấm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đoàn về nước.

Ông S Reddy, Phó Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ khi tới chào Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tâm sự rằng: “Chúng tôi luôn đánh giá cao quan hệ với Việt Nam. Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cảm hứng cho phong trào cộng sản Ấn Độ. Việt Nam là nước chịu nhiều hậu quả chiến tranh nhưng cho đến sự phát triển của Việt Nam cho thấy đường lối đúng đắn mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn. Đảng Cộng sản Ấn Độ sẽ mãi là người bạn thuỷ chung của Đảng Cộng sản Việt Nam vì sự phát triển của mỗi nước và vì tình hữu nghị giữa hai dân tộc”.

Nhìn lại lịch sử phát triển cho thấy, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ đã có từ rất lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu lịch sử sâu xa về văn hóa - tôn giáo - thương mại.

Trong thời kỳ hiện đại, quan hệ giữa hai dân tộc được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Còn nhớ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Việt Nam - Ấn Độ có mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”, và cho đến nay, câu nói này vẫn giữ nguyên giá trị.

Ngoài những thành công lớn trong quan hệ chính trị thì hợp tác kinh tế cũng được hai nước rất quan tâm. Đoàn doanh nghiệp gồm hơn 70 doanh nhân tháp tùng cho thấy Việt Nam rất coi trọng hợp tác với Ấn Độ.

Năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã lên đến con số hơn 3 tỷ USD. Mặc dù bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế nhưng năm qua, kim ngạch vẫn đạt hơn 2 tỷ USD... Tuy nhiên, so với truyền thống hợp tác, tiềm năng của mỗi nước thì rõ ràng đây là con số chưa thực sự tương xứng.

Hai diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức trong chuyến thăm với khoảng 300 doanh nghiệp tham dự thực sự là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hiểu hơn về thị trường, nhu cầu đầu tư tại mỗi nước.

Các doanh nghiệp Ấn Độ đều đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, một đất nước có nền chính trị ổn định, an ninh trật tự được đảm bảo, dân số đông và thị trường rộng lớn. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang làm ăn thực sự thành công tại Việt Nam như tập đoàn Tata là một ví dụ.

Khi tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nhiều vị lãnh đạo Ấn Độ đã khẳng định: Trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam, các quan điểm hợp tác đều được thống nhất rất nhanh từ Trung ương đến địa phương. Sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau chính là yếu tố quan trọng để trong thời gian tới, sự hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội tiếp tục phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu và thiết thực hơn.

Ông Vũ Quang Diệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Ấn Độ nhận định: “Quan hệ Việt Nam-Ấn độ đã có từ lâu. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lần này đến Ấn Độ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Quốc hội với Quốc hội hai nước, nâng tầm quan hệ nhân dân và nhân dân. Bản thân tôi cảm nhận hai nước có nhiều tiềm năng phát triển. Quốc hội Ấn Độ rất nhiều đảng phái nhưng dù là đảng cầm quyền hay đảng đối lập nhưng với Việt Nam là một, là nhất trí, tất cả là nhất trí”.

Như cơ duyên đã hẹn, lần đầu tiên máy bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam hạ cánh xuống sân bay thành phố Bothaya, quê hương của Đức Phật, nơi có Đại Bảo Tháp - Bồ Đề Đạo Tràng. Cũng chính nơi đây, một ngôi chùa Việt Nam được xây dựng, do người Việt Nam trụ trì. Đó là Việt Nam Phật Quốc Tự…

Chia tay Đất Phật, tạm biệt Ấn Độ với những lá Bồ đề xin từ cõi Phật, mỗi thành viên trong Đoàn đều cầu cho đất nước được bình an, giàu mạnh và tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ ngày càng phát triển./.

 

 

Đặng Linh

(http://vovnews.vn/)