Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại huyện Tây Hòa, Phú Yên

31/01/2010

Ngày 30.1, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại huyện Tây Hòa, Phú Yên để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ công tác chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng

Ngày 30.1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại huyện Tây Hòa, Phú Yên để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ công tác chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng.

 

Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Tiểu ban, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền; Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Nguyễn Văn Đặng; Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Tổ biên tập Đinh Văn ân; Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lý luận thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Tổ biên tập Nguyễn Viết Thảo...

 

Tây Hòa là huyện nông nghiệp, mới được thành lập năm 2005 trên cơ sở chia tách từ huyện Tuy Hòa. Một trong những đặc điểm nổi bật của Tây Hòa là phát triển mạnh kinh tế tập thể với 95% dân số là xã viên các hợp tác xã. Huyện hiện có 14 hợp tác xã, trong đó 11 hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ. Theo báo cáo của Lãnh đạo huyện, kể từ khi đổi mới cơ chế quản lý hợp tác xã, nhất là sau khi Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (năm 2002), các hợp tác xã đã mở rộng kinh doanh dịch vụ, liên kết liên doanh và làm đại lý cho các công ty, mang lại hiệu quả kinh tế cho hợp tác xã. Hàng năm, các hợp tác xã đều có tích lũy, bổ sung vốn và trả lãi cổ phần cho xã viên. Riêng 11 hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ, năm 2008 đã tăng tổng nguồn vốn lên hơn 47 tỷ đồng, thay vì mức hơn 27 tỷ đồng năm 2001. Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ đã thực hiện tốt các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như dịch vụ giao thông thủy lợi nội đồng, dịch vụ khuyến nông, bảo vệ thực vật, cơ giới hóa nông nghiệp, điều hành tốt các khâu từ sản xuất đến thu hoạch... Nhiều mô hình sản xuất đạt giá trị sản xuất từ 30 - 50 triệu đồng/ ha/ năm, lợi nhuận từ 40% trở lên, đặc biệt năng suất lúa hàng năm đều tăng, có hợp tác xã đạt 72 tạ/ha/vụ. Một số hợp tác đã mở rộng các dịch vụ kinh doanh như dịch vụ điện, dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ xăng, dầu; mua bán vật tư nông nghiệp và xây dựng; liên doanh, liên kết làm vệ tinh cho các đơn vị quốc doanh, tạo ra ngành nghề mới ở nông thôn như thêu ren, sản xuất đá lạnh, gia công hàng tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu, mua bán tiêu thụ hàng hóa cho xã viên... Nhiều hợp tác xã vốn làm ăn yếu kém, nay đã vươn lên, làm ăn có hiệu quả, được đông đảo xã viên đồng tình, ủng hộ và gắn bó. Điển hình là mô hình ở hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ Hòa Phong.

 

Thăm và tìm hiểu thực tiễn Hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ Hòa Phong, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Công tác vui mừng nhận thấy, kể từ sau khi chuyển đổi và hoạt động theo Luật Hợp tác xã, Hợp tác xã đã thực sự là tổ chức kinh tế được nông dân góp vốn và công sức, vừa thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh vừa làm dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển. Tổng doanh thu từ gần 3 tỷ đồng năm 1996 – thời điểm ra đời Luật Hợp tác xã - đã tăng lên hơn 12 tỷ đồng năm 2009. Hợp tác xã đã mở rộng các hoạt động kinh doanh phục vụ kinh tế hộ của xã viên như dịch vụ khuyến nông; dịch vụ giao thông thủy lợi nội đồng; dịch vụ làm đất và tuốt lúa bằng máy; dịch vụ bán xăng dầu; dịch vụ tín dụng nội bộ; dịch vụ điện; dịch vụ vật tư nông nghiệp... Sự phát triển của Hợp tác xã đã góp phần vào việc thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2009 lên 8,5 triệu đồng/người/năm, tăng so với mức 2,5 triệu đồng/ người/ năm. Với rất nhiều nỗ lực của cán bộ và xã viên trong Hợp tác xã, năm 2006, Hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ Hòa Phong đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

 

Thực tế phát triển kinh tế tập thể tại Tây Hòa và cụ thể là Hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ Hòa Phong đã cho thấy, quá trình đổi mới hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình hợp tác xã mới hoạt động có hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, giúp xã viên xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở vật chất, tạo nên bộ mặt nông thôn mới. Từng bước giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tiến trình thực hiện CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 

Tất nhiên, bên cạnh những thuận lợi, mô hình hợp tác xã cũng đang gặp một số khó khăn. Tại cuộc làm việc với Đoàn Công tác, Lãnh đạo huyện Tây Hòa và Hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ Hòa Phong kiến nghị: Trung ương nghiên cứu, xem xét giúp bà con nông dân, xã viên các hợp tác xã trong việc bình ổn giá cả hàng nông sản, nhất là hàng hóa thiết yếu cũng như tìm thị trường tiêu thụ cho hàng hóa nông sản. Bởi, thực tế hiện nay, nhiều hàng hóa nông sản của bà con làm ra chưa tìm được nơi tiêu thụ và giá cả cũng bấp bênh, thiếu tính ổn định, gây thiệt thòi cho thu nhập của bà con. Đồng thời quan tâm, đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ cho việc phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ; tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân... Những cơ chế, chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển mạnh mô hình kinh tế hộ, kinh tế hợp tác xã để kinh tế tập thể thực sự cùng với kinh tế nhà nước (giữä vai trò chủ đạo) ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của huyện Tây Hòa và Hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ Hòa Phong; đánh giá cao những kết quả của việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đặc biệt ấn tượng với thành tựu trong phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp và phong trào làm ăn tập thể, phát triển kinh tế hợp tác xã của bà con nơi đây. Thực tế cho thấy, trong khi không ít địa phương khác còn đang lúng túng với hoạt động của hợp tác xã thì mô hình hợp tác nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ ở Tây Hòa là rất đáng nghiên cứu, tổng kết. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý, những kết quả nêu trên mới là bước đầu. Trong thời gian tới, huyện cần có bước tiến vững chắc hơn nữa, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác xã; góp phần tích cực nâng cao đời sống của bà con, cùng với cả nước thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. 

 

+ Trong ngày đầu tiên thăm và làm việc tại Phú Yên, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã thăm, nắm tình hình thực tiễn tại cảng Vũng Rô, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và xã Ea ChàRang, Sơn Hòa, Phú Yên.

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)