Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tại Kiên Giang

24/03/2017

Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, ngày 24/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc Với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các cán bộ, đảng viên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế biển; nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng cấp ủy, chính quyền các cấp; tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần đưa kinh tế biển của Kiên Giang đạt bước phát triển mới, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có đoàn tàu cá gồm 10.556 chiếc với tổng công suất hơn 2,3 triệu CV, trong đó gần 300 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Sản lượng khai thác hải sản tăng bình quân 5,24%/năm, năm 2016 khai thác đánh bắt hơn 519.000 tấn hải sản. Diện tích nuôi trồng hải sản trên địa bàn tỉnh là 221.580 ha, sản lượng năm 2016 đạt trên 196.000 tấn, trong đó tôm nuôi nước lợ đạt sản lượng 56.862 tấn. Tốc độ tăng trưởng chế biến thủy sản đạt 13,7%/năm giai đoạn 2011 - 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 147 triệu USD/năm, tổng sản lượng thủy sản chế biến năm 2016 trên 207.000 tấn…

Những năm qua, việc xây dựng phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh trên biển đảo và tuyến biên giới của tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu phòng thủ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Tỉnh xây dựng các lực lượng trên biển, tăng cường kiểm soát, theo dõi, nắm chắc tình hình, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh, chủ động đối phó với những tình huống xấu, không để xảy ra tình huống bất ngờ. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; xã hội hóa công tác quản lý về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, Kiên Giang kiến nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng hỗ trợ vốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường tuần tra biên giới bộ trên địa bàn tỉnh; đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đảo có dân sinh sống, đặc biệt là đảo Thổ Châu có vị trí rất quan trọng, là đảo tiền tiêu của Tổ quốc; ưu tiên kinh phí đảm bảo xây dựng hạ tầng cơ sở các đảo, cấp nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, giao thông quanh đảo, ngang dọc đảo, nơi trú bão, bến cập tàu để vừa phát triển kinh tế - xã hội gắn với cũng cố quốc phòng - an ninh trên các đảo...

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng Đoàn khảo sát mô hình nuôi tôm ở huyện An Minh, Kiên Giang

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao những kết quả Kiên Giang đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cùng với du lịch thì khai thác, nuôi trồng, chế biển hải sản chính là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương.

Chỉ rõ, sự phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, anh ninh tại Kiên Giang có điểm thực hiện còn chưa nhất quán, chưa hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này vẫn là trong công tác điều hành, chỉ đạo, quy hoạch, định hướng phát triển, triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ, nguồn lực phân tán, năng lực quản lý... còn hạn chế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc triển khai các chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh cần bám sát tình hình thực tế, đặc thù của địa phương để phát huy tốt nhất lợi thế, tiềm năng sẵn có trở thành lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện các quy định của quốc tế về bảo vệ nguồn lợi hải sản không chỉ đối với cư dân biển, đảo mà còn đối với toàn xã hội; chấp hành các hiệp ước, công ước đã ký cũng như những quy định của pháp luật, nâng cao ý thức trong khai thác thủy sản, không vi phạm những điều khoản Nhà nước đã ký kết. Bên cạnh đó, cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng tỉnh cần chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác quốc phòng, quân sự, bảo vệ an ninh trật tự trong hoạt động kinh tế biển. Nắm chắc tình hình, phối hợp thật tốt với chính quyền làm công tác huấn luyện, tập huấn cho ngư dân, người làm công trên biển, đặc biệt là các đội tự vệ, dân quân tự vệ biển, đội sản xuất an toàn... Từ đó, tạo được niềm tin để ngư dân vững tin hơn bám biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khảo sát tại Công ty CP Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền, huyện Châu Thành, Kiên Giang

+ Trước đó, chiều 23/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng Đoàn giám sát đã khảo sát một số mô hình nuôi trồng thủy sản tại huyện An Minh và Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Ngô Quyền ở cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang.

Thu Phương tổng hợp