Ban soạn thảo Dự án Luật hành chính công họp phiên thứ 2

18/01/2017

Chiều 18/1, tại Nhà Quốc hội, Ban soạn thảo Dự án Luật hành chính công đã họp phiên toàn thể lần thứ 2. Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh chủ trì phiên họp.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp              Ảnh: Đình Nam

Tại phiên họp, Ban soạn thảo cùng các thành viên tổ biên tập đã thảo luận và thông qua dự thảo Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công; danh sách thành viên Tổ biên tập; dự kiến phân công trách nhiệm thành viên Ban soạn thảo và thành viên Tổ biên tập; dự thảo Kế hoạch xây dựng dự án Luật hành chính công (2017- 2018) và Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học về sự cần thiết xây dựng dự án Luật hành chính công.

Theo đó, Ban soạn thảo quyết định thành lập Tổ biên tập gồm 26 thành viên gồm: Tổ trưởng là Trưởng ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh, 4 Tổ phó  và 21 ủy viên là đại diện các Bộ, ngành, tổ chức liên quan. Tổ biên tập có nhiệm vụ giúp Ban soạn thảo chuẩn bị, phục vụ các hoạt động xây dựng dự án Luật hành chính công và chấm dứt hoạt động sau khi dự án Luật được Quốc hội thông qua.

Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập được phân công nhiệm vụ theo từng nhóm thực hiện các công việc như trực tiếp soạn thảo các chương: Những nguyên tắc chung, Thủ tục hành chính, Dịch vụ công và Chính quyền điện tử, Hợp đồng hành chính công, Kiểm soát hành chính công, Điều khoản thi hành; chuẩn bị tờ trình, rà soát hệ thống pháp luật, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về hành chính công, báo cáo đánh giá tác động, tổ chức lấy ý kiến các đối tượng bị tác động của chính sách...

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng cần thiết phải thành lập thường trực Ban soạn thảo để làm đầu mối trong việc phân công nhiệm vụ của các thành viên tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng dự án Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng trong quá trình xây dựng dự thảo Luật cần quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời tiến hành lấy ý kiến trong cộng đồng, nhân dân một cách rộng rãi.

Bảo Yến