Cần bổ sung quy định thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên

18/11/2016

Chiều 18/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch bởi sau 10 năm thực hiện cho thấy, quá trình triển khai Luật du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch. Đặc biệt, trước sự phát triển, thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam cùng với quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ đã làm nhiều quy định của Luật du không còn phù hợp và thiếu tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành. Do vậy, đòi hỏi sự cấp bách cần sửa đổi và ban hành Luật du lịch (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển.

Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, các đại biểu nhận định dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã có độ thông thoáng nhất định theo định hướng cơ chế thị trường và cơ bản khắc phục được những bất cập của Luật hiện hành. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, một số quy định liên quan đến việc xếp hạng cơ sở lưu trú, quản lý nhà nước về du lịch, chất lượng hướng dẫn viên… cần phải xem xét, cân nhắc lại.

Cần bổ sung quy định thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên

Đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung phát biểu tại Hội trường                                                                    Ảnh: Đình Nam

Đề cập đến thực trạng kiến thức, trình độ, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ của các hướng dẫn viên còn yếu, công tác đào tạo hướng dẫn viên chưa chuyên nghiệp, chưa thống nhất và chuẩn hóa, đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung- tỉnh Cao Bằng cho rằng, những quy định về hướng dẫn viên trong dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) vẫn chưa giải quyết căn bản được điểm yếu trong vấn đề hướng dẫn viên du lịch.

Cụ thể, quy định trong dự thảo Luật chỉ khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên bằng cách hạ tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên mà chưa có quy định kiểm tra kiến thức, kỹ năng của hướng dẫn viên; việc cấp lại thẻ hướng dẫn viên cũng không có yêu cầu cập nhật kiến thức mới phù hợp với yêu cầu, từng thời điểm, từng giai đoạn. Từ những phân tích trên, đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị bổ sung quy định thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng nhân lực xin cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch và giao việc cấp thẻ hướng dẫn viên cho Hiệp hội lữ hành, các trường đào tạo để thuận tiện cho quá trình đào tạo, tổ chức thi…

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai: nhân lực du lịch của chúng ta có thể mất việc ngay trên sân nhà

Đồng tình với nhận định của đại biểu Triệu Thanh Dung về chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của nước ta hiện nay, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai- tỉnh Hưng Yên cho rằng, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, đặc biệt kể từ khi cộng đồng ASEAN chính thức đi vào vận hành, bên cạnh hàng hóa, dịch vụ thì lực lượng lao động có chất lượng cao, có ngoại ngữ tốt sẽ tràn vào Việt Nam và nhân lực du lịch của chúng ta có thể mất việc ngay trên sân nhà. Chính vì vậy, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị, ngoài những quy định của Luật giáo dục về vấn đề này, ngay trong dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) cũng cần thiết kế những quy định và yêu cầu riêng cần có về nhân lực du lịch nói chung và hướng dẫn viên du lịch nói riêng.

Du lịch cần phải có thanh tra chuyên ngành

So với Luật du lịch 2005, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã bỏ quy định về nội dung thanh tra chuyên ngành du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, ngành du lịch đang phải đối mặt với sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phức tạp của các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, dự thảo Luật có nhiều quy định liên quan đến công tác hậu kiểm (nhất là các nội dung về cơ sở lưu trú), đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra, giám sát của lực lượng chuyên ngành. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về thanh tra du lịch để kiểm soát, xử lý các vấn đề về du lịch.

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương- tỉnh Ninh Thuận cho rằng, quản lý du lịch mà không có quy định về thanh tra chuyên ngành du lịch thì sẽ không có cơ sở để quy trách nhiệm, không thể kiểm soát chặt chẽ được các sự cố, tai nạn du lịch, các vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách du lịch của các cơ sở kinh doanh du lịch... Đại biểu cho rằng, công tác quản lý phải gắn liền với lực lượng thanh tra mới đảm bảo được chất lượng môi trường du lịch. Do vậy, việc bổ sung quy định về thanh tra chuyên ngành du lịch vào dự thảo luật là rất cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan phát biểu ý kiến tại Hội trường

Có chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan- tỉnh Lạng Sơn cho biết, trừ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, chỉ có Phòng  nghiệp vụ du lịch và Phòng thanh tra chung, chứ không có thanh tra chuyên ngành về du lịch riêng. Lực lượng cán bộ ở các phòng này rất ít, trong khi khối lượng công việc thanh tra về mảng văn hóa, thể thao, du lịch lại rất nhiều. Do vậy, hoạt động của 2 đơn vị này ở nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch để bảo vệ, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Trong khi đó ngành du lịch hiện nay còn tồn tại rất nhiều vấn đề, bức xúc.

Nhấn mạnh về việc 70% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không quay trở lại vì nỗi lo sợ liên quan đến các vấn đề về an ninh trật tự, giao thông, chất lượng dịch vụ và vệ sinh môi trường, đại biểu Ngàn Phương Loan cho rằng, việc cân nhắc thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành du lịch ở những vùng trọng điểm du lịch trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết.

Xếp hạng cơ sở lưu trú phải là quy định bắt buộc

Khác với Luật hiện hành, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) lần này đã quy định việc thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng theo nguyên tắc tự nguyện, không còn bắt buộc nữa. Như vậy, doanh nghiệp có thể đăng ký với Cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương hoặc địa phương theo phân cấp để thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch hoặc kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp và văn bản pháp luật liên quan mà không cần xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bỏ quy định tái thẩm định, công nhận lại hạng của các cơ sở lưu trú du lịch sau 3 năm.

Tuy nhiên quy định mới này không nhận được sự tán đồng từ phía các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương- tỉnh Ninh Thuận, việc áp dụng nguyên tắc tự nguyện trong xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Điều 61 của dự thảo Luật là không phù hợp, sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chất lượng, tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận thứ hạng sao, quảng cáo sai chất lượng xếp hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra, trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội lần này lại không quy định bất kỳ một chế tài nào để xử lý những sai phạm nêu trên. Do vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định lại theo hướng xếp hạng cơ sở lưu trú phải là quy định bắt buộc, không loại trừ bất kỳ một đối tượng nào.

Qua nghiên cứu, các đại biểu đánh giá, các chính sách phát triển du lịch quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật còn thể hiện chung chung, chưa thể hiện rõ đâu là chính sách ưu đãi, đâu là chính sách đặc thù để phát huy đúng thế mạnh và đưa du lịch nước ta phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và quy định cụ thể hơn về nội dung này. Đồng thời, rà soát nội dung và hình thức văn bản để đảm bảo tính chính xác và kỹ thuật văn bản, kỹ thuật lập pháp.

Thu Phương- Minh Hương