Đại biểu Quốc hội đề nghị phát triển nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ môi trường

04/11/2016

Sáng 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhiều đại biểu đề nghị tái cơ cấu chính sách nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, từ những kết quả đạt được và những vấn đề còn hạn chế của chương trình, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp kịp thời xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới xanh, sạch, đẹp; Tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu đồng tình cao với điều này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình- TP Hà Nội cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề quan tâm đó là sản xuất nông nghiệp còn manh mún chưa tạo được giá trị gia tăng, việc ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, nông dân lạm dụng chất hóa học, đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật làm ra sản phẩm nông nghiệp không an toàn làm thoái hóa đất canh tác, làm ô nhiễm môi trường gây hậu quả lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị cần tái cơ cấu chính sách nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách phát triển nông nghiệp của ta trong nhiều năm qua đều áp dụng chủ yếu cho nông nghiệp vô cơ. Nền nông nghiệp sử dụng nhiều loại hóa chất như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... Sản phẩm của nông nghiệp vô cơ là nguyên nhân chính gây ra các loại ung thư và làm giảm khả năng miễn dịch cơ thể, làm thoái hóa đất đai nên cả thế giới đã chuyển sang phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ cần có chủ trương mạnh mẽ và khẳng định về việc định hướng và chuyển nhanh sang phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

ĐBQH Võ Kim Cự: phải đạt cho được nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hàng hóa

Theo đại biểu, trước tiên nhân dân được sử dụng sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, để Nhà nước có thể chủ động hội nhập với quốc tế dựa trên tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp của mình, Chính phủ cần nghiên cứu cải cách, điều chỉnh khung pháp lý một cách mạnh mẽ việc phát triển nông nghiệp cho phù hợp với xu hướng tất yếu này vì nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch khác hẳn nông nghiệp vô cơ về nhiều mặt. Ví dụ, những chính sách về khuyến khích sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, cải tạo đất bằng công nghệ sinh học, bảo quản nông sản bằng chế phẩm sinh học và vật lý… là những nền tảng pháp lý cơ bản để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đại biểu cho biết, bài học thực tiễn phát triển nông nghiệp hữu cơ ở một số địa phương trong nước như Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ và hiệu quả cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức- tỉnh Cao Bằng nêu rõ, tại kỳ họp này theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay ô nhiễm đã đến ngưỡng môi trường không thể chịu đựng thêm được nữa. Đây quả thực là lời cảnh báo không có gì nghiêm khắc hơn trong mỗi chúng ta. Ngày nay ô nhiễm không còn là vấn đề chỉ của thành phố, các khu công nghiệp lớn mà nó đã len lỏi về đến tận làng quê xa xôi, hẻo lánh đang hủy hoại từng ngày lá phổi trong lành của chúng ta. Ba nguồn ô nhiễm lớn đang là áp lực lớn đè nặng lên môi trường trong khu vực nông thôn, đó là ảnh hưởng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, con người còn trực tiếp hủy hoại môi trường bằng cách phá rừng, khai thác tài nguyên quá mức.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chọn địa bàn nông thôn để đầu tư, ngoài việc tận dụng lao động rẻ còn nhằm tiết kiệm được chi phí xử lý môi trường bằng cách xả nước thải thẳng vào dòng sông, kênh mương. Để ngăn chặn tình trạng hủy hoại môi trường nông thôn, đại biểu đề nghị Chính phủ không chỉ đưa ra tiêu chí về môi trường cho nông thôn mới mà còn phải chủ động nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp để xử lý các thách thức ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày nay như nghiên cứu, hướng dẫn, giúp đỡ giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt an toàn ở nông thôn, phát triển và sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp, xử lý nghiêm những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự- tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, việc xây dựng nông thôn mới cùng gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp là vấn đề rất lớn, vừa cấp bách, vừa chiến lược, vừa có tính lâu dài, cho nên đây là vấn đề trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Bởi vì, trên 70% dân số nước ta làm nông nghiệp, nếu giải quyết được vấn đề nông nghiệp tái cấu trúc lại gắn với nông thôn mới và phải đạt được yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, giải quyết việc làm và giảm nghèo, gắn với mục tiêu tái cấu trúc, kinh tế nông nghiệp, phải đạt cho được nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hàng hóa và nông nghiệp công nghệ cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặng Mai- Minh Hằng