Thảo luận ở Hội trường về công tác huy động, sử dụng vốn: ĐBQH đề nghị phân bổ vốn phải đảm bảo thực sự công khai, minh bạch

01/11/2016

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, sáng 1/11, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015. Phát biểu về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều phương án nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huy động, sử dụng vốn vay trong thời gian tới.

ĐBQH Phùng Đức Tiến- tỉnh Hà Nam: Cơ chế phân bổ vốn phải đảm bảo thực sự minh bạch, cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư phải chặt chẽ

Theo đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến- tỉnh Hà Nam, việc quản lý, sử dụng vốn vay chưa thực sự đạt hiệu quả cao, thể hiện qua các dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí lãi vay kéo dài thời gian thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng trả nợ. Do đó, trong giai đoạn 2016- 2020, nhu cầu vốn vay còn rất lớn nhưng nếu tiếp tục đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng như trong thời gian qua thì hệ quả không chỉ dừng lại ở việc tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công mà còn góp phần gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước tình hình trên, đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị: Thứ nhất, Chính phủ phải có chiến lược nợ rõ ràng, có những điều kiện cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hàng năm, chi tiêu thường xuyên của nhà nước, triệt để tiết kiệm, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tiết kiệm chi thường xuyên. Thứ hai, cơ chế phân bổ vốn phải đảm bảo thực sự minh bạch, cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư phải chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí, các dự án đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020. Thứ ba, đề nghị Chính phủ phải thu hẹp được khoảng cách giữa chi thường xuyên và chi đầu tư, không để khoảng cách này ngày càng nới rộng.

Bày tỏ tin tưởng sâu sắc với một Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính sẽ quyết tâm đưa nền kinh tế nước vượt qua khó khăn để đến đích thành công, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn- Tp. Hà Nội cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân liên quan đến tình hình huy động, quản lý sử dụng vốn vay giai đoạn 2011- 2015 có một số bất cập hạn chế như: Nợ của doanh nghiệp nhà nước cũng như nợ của doanh nghiệp tư nhân không có khả năng trả và trở thành nợ xấu mà Chính phủ phải trả hoặc phải mua lại nợ; tái cấu trúc ngân hàng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống kinh tế; Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp không nộp đầy đủ do phá sản, chây ỳ, do vậy phải vay nợ để trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn- Tp. Hà Nội: Việc sử dụng vốn ODA hiện đang rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc"

Ngoài ra, việc quản lý vốn vay kém hiệu quả dẫn đến khả năng vay trả nợ khó khăn, hiệu quả sử dụng vốn qua các giai đoạn rất kém. Điều này tạo ra áp lực phải trả nợ công trong thời gian sớm. Hay việc sử dụng vốn ODA hiện đang rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc", nhiều đơn vị, bộ, ban, ngành, địa phương coi đây là nguồn đầu tư không hoàn trả, vì thế việc sử dụng quản lý kém hiệu quả làm thất thoát rất nhiều. Cho rằng đây là vấn đề tăng nợ công cần hết sức được quan tâm, đại biểu đề nghị cần tái cơ cấu, quan tâm đến vấn đề nợ công, lựa chọn những ngành, những lĩnh vực đầu tư ít tiền nhưng hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến môi trường.

Còn theo đại biểu Quốc hội Y Khút Niê- tỉnh Đắk Lắk, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, nguồn vốn là cơ sở quan trọng để thực hiện sự công khai, minh bạch. Trong đó cần bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách của Chính phủ trong việc tăng cường phân cấp nhằm tăng quyền chủ động, tự chủ cho các cấp. Các ngành trung ương chỉ quy định nguyên tắc tiêu chí phân bổ và thông báo tổng số vốn cho địa phương một cách công khai, minh bạch, các bộ, ngành trung ương và địa phương có toàn quyền lựa chọn danh mục dự án, dự kiến bố trí vốn cho từng dự án phù hợp với tình hình thực tế và mục tiêu phát triển của ngành, địa phương. Thực hiện tốt nguyên tắc này thì các cấp, các ngành, địa phương sẽ sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn, các công trình, dự án sẽ hoàn thiện đúng tiến độ đã đề ra. Chính phủ cần bố trí đủ vốn, kịp thời các nguồn vốn cho dự án đã được phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đặc biệt đối với trách nhiệm người đứng đầu của một ngành, một địa phương khi sử dụng vốn đầu tư công lãng phí, kém hiệu quả.

ĐBQH Y Khút Niê- tỉnh Đắk Lắk: Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

Về thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn vốn, cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng, chỉ bố trí vốn cho các dự án, công trình khởi công mới khi còn vốn. Sau khi đã bố trí đủ vốn đối với các dự án, công trình phải thanh toán nợ đọng, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, dự án chuyển tiếp để hoàn thành trong giai đoạn 2016- 2020.

Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ngoài các nội dung được phân bổ theo nguyên tắc, tiêu trí đã nêu trong Báo cáo, Chính phủ cần tập trung quan tâm ưu tiên đối với các công trình để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Các nội dung thuộc về chương trình giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng xây dựng đường giao thông nông thôn, đường tuần tra biên giới, nhất là đối với đường biên giới Campuchia, thủy lợi, chương trình kiên cố hóa lớp mầm non, trường tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa,... bởi vì đây là những vùng chịu thiệt thòi nhiều nhất so với các vùng thuận lợi, có điều kiện phát triển và là vùng có tính chất nhạy cảm, là đối tượng yếu thế,... Nếu không có sự nhìn nhận một cách khách quan được quan tâm ưu tiên đầu tư đúng mức chắc chắn những vùng này khó khăn vẫn sẽ khó khăn, khó có cơ hội vươn lên phát triển nhanh, bền vững- đại biểu Y Khút Niê- tỉnh Đắk Lắk nhận định.

Với những lý do nêu trên, đại biểu Y Khút Niê- tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chính phủ cần tính toán, quan tâm ưu tiên đầu tư “càng sớm, càng tốt” nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng trong việc giảm nghèo nhanh, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền hiện nay; thúc đẩy các vùng này tăng thêm niềm tin, phát huy nội lực, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn và nhanh hơn.Đối với nguồn vốn ODA, đại biểu cho rằng, việc phân bổ nguồn vốn này của Chính phủ thời gian qua chưa thực sự có một tiêu chí rõ ràng, còn có sự chênh lệch khá lớn, mức phân bổ giữa các vùng miền đối với năm tỉnh Tây Nguyên chỉ được phân bổ trên dưới 4% trên tổng nguồn vốn của cả nước, tỷ lệ này quá thấp so với một số vùng miền đã được phân bổ từ 25 đến 30%. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm ưu tiên tăng tỷ lệ nguồn vốn này một cách hợp lý nhằm đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đầy tiềm năng này.

Quang Minh- Nguyễn Thảo