Cân nhắc những đối tượng được bảo vệ đặc biệt

31/10/2016

Sáng 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật cảnh vệ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Cảnh vệ                     Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật Cảnh vệ có bố cục gồm có 6 chương, 36 điều, quy định về đối tượng cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo Luật đã bổ sung 02 chương, 15 điều và đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại các điều 5, 6, 15, 19 và 34 dự thảo Luật.

Đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh vệ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận định, việc nâng Pháp lệnh Cảnh vệ lên thành luật sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; mục tiêu trọng yếu của quốc gia; các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến thẩm tra nhất trí với bố cục của dự thảo Luật; đánh giá nội dung dự thảo Luật Cảnh vệ mà Chính phủ trình là phù hợp với Hiến pháp và quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh vệ nói riêng.

 Cân nhắc những đối tượng được bảo vệ đặc biệt

Theo Điều 10 của dự thảo Luật Cảnh vệ quy định về đối tượng cảnh vệ thì những trường hợp được cảnh vệ bao gồm: những người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam, những khu vực trọng yếu; những sự kiện đặc biệt quan trọng.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng- An ninh nhất trí với những đối tượng quy định tại Điều 10 của dự thảo. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu gồm: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, vì đây là các địa điểm công cộng nên chuyển lực lượng khác tổ chức bảo vệ. Đồng thời, đề nghị cân nhắc việc bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ là“Khu vực, công trình phòng thủ chiến lược”, vì đây là nơi làm việc của các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước khi có chiến tranh. Ngoài ra, đề nghị làm rõ tiêu chí xác định quy mô, tầm quan trọng của hội nghị, lễ hội, hội nghị quốc tế được coi là “Sự kiện đặc biệt quan trọng” được đề cập tại điểm đ khoản 4.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt cho biết, cũng có một số ý kiến Ủy ban đề nghị cân nhắc việc chỉ quy định đối tượng cảnh vệ là yếu nhân để tránh chồng chéo với nhiệm vụ của Cảnh sát bảo vệ khu vực trọng yếu, các sự kiện quan trọng, đồng thời để bảo đảm tinh gọn về tổ chức.

Chỉ được nổ súng trong tình thế cấp thiết

Cũng theo dự thảo luật, trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ được huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện của đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật… Đặc biệt, trong khi thi hành nhiệm vụ, các Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh vệ chỉ được nổ súng trong các trường hợp: để cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; Để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ. (Điều 23)

Liên quan đến quy định về việc sử dụng vũ khí trong thi hành nhiệm vụ, ý kiến của Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra, quy định nổ súng “để tiêu diệt” đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 23 là chưa phù hợp với nguyên tắc “người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra” và cần bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo Bộ Luật hình sự. Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, để kịp thời ngăn chặn hành vi đó, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc.

Ngoài ra, về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ quy định tại Điều 19, đa số ý kiến Ủy ban thẩm tra đề nghị sắp xếp lại Điều này theo hướng gộp khoản 1 với khoản 2 dự thảo Luật thành một khoản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ và khoản 2 giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân nữ để thu hút vào phục vụ trong lực lượng Cảnh vệ và bảo đảm tỷ lệ nam, nữ hợp lý.

Liên quan đến quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ (Điều 25), Ủy ban Quốc phòng- An ninh nhất trí với dự thảo Luật vì cho rằng, do đặc thù công tác nên lực lượng Cảnh vệ cần được hưởng phụ cấp đặc thù, trợ cấp, hỗ trợ do Chính phủ quy định như đối với một số lực lượng khác.

Để hoàn chỉnh dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về quyền“sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật” của Giám đốc Công an cấp tỉnh khi chỉ đạo công tác cảnh vệ ở địa phương tại khoản 1 Điều 31 để dễ thực hiện và tránh lạm dụng; đề nghị làm rõ các cụm từ: “Trong trường hợp cần thiết”, “Khi cần thiết”,“Trong trường hợp cấp bách”“Trường hợp do yêu cầu cấp bách”. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung về nội dung, chỉnh lý về mặt kỹ thuật để bảo đảm tính thống nhất ngay trong dự thảo Luật và với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thu Phương