Phiên họp thứ Hai sáu của UBTVQH

18/12/2009

Sáng 16.12, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

* Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi): Cần làm rõ nội hàm của chính sách tiền tệ quốc gia

* Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Nên có độ mở

 

Sáng 16.12, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

 

Theo Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật thống nhất tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Sáu về 6 vấn đề lớn, gồm: địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chính sách tiền tệ quốc gia; lãi suất; đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tổ chức tín dụng; các quy định liên quan đến bảo hiểm tiền gửi và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của Ngân hàng Nhà nước. Dự án Luật còn 7 vấn đề lớn chưa thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, gồm: thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ; Hội đồng chính sách tiền tệ; góp vốn thành lập doanh nghiệp; tạm ứng cho ngân sách nhà nước; dự trữ ngoại hối nhà nước; thanh tra, giám sát ngân hàng; tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

 

Một số Ủy viên UBTVQH tán thành quan điểm của Uãy ban Kinh tế: QH quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm vì đây là một chỉ tiêu vĩ mô hết sức quan trọng trong hệ thống chỉ tiêu của kế hoạch phát triển KT- XH hàng năm và 5 năm. Về thẩm quyền của Chính phủ và thẩm quyền của NHNN, các Ủy viên UBTVQH cho rằng: việc phân cấp chức năng, nhiệm vụ giữa Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước theo quy định của dự thảo Luật là chưa rõ ràng và không có sự thay đổi căn bản so với Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành. Về mặt lý luận cũng như thực tế, lãi suất và tỷ giá vừa được coi là công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, quản lý kinh tế vi mô, vừa được coi là mục tiêu trung gian để đạt mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô. Dự thảo Luật quy định việc quy định lãi suất và tỷ giá vừa thuộc thẩm quyền của Chính phủ (khi được coi là định hướng điều hành chính sách tiền tệ), vừa thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (khi được coi là công cụ chính sách tiền tệ). Nếu không làm rõ thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước được quyết định sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đến mức độ nào thì sẽ không làm tăng được tính tự chủ của Ngân hàng Nhà nước so với Luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị, dự thảo Luật thiết kế lại các quy định về thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng: QH quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm; Chính phủ trình QH chỉ tiêu lạm phát hàng năm, Chính phủ quyết định chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán và khung lãi suất, tỷ giá để chỉ đạo việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm đạt chỉ tiêu lạm phát mà QH đã quyết định; Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ đề xuất trình Chính phủ quy định khung lãi suất, khung tỷ giá, tổng phương tiện thanh toán và có thẩm quyền quyết định mức lãi suất, tỷ giá cụ thể trong khung do Chính phủ quy định cho từng thời kỳ và chủ động sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khác như dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở... Tuy nhiên, nhiều Ủy viên UBTVQH chưa tán thành quan điểm này và đề nghị, cần làm rõ nội hàm của chính sách tiền tệ quốc gia trong phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước là gì. Từ đó, xác định cụ thể, thẩm quyền, trách nhiệm của QH trong từng nội dung cụ thể của chính sách tiền tệ quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: Tất cả các hoạt động của ngân hàng liên quan đến vai trò của QH thì cần phải xác định rất rõ là: vai trò, trách nhiệm của Quốc hội đến đâu và của Chính phủ đến đâu? 

 

Các Ủy viên UBTVQH yêu cầu: để QH và các cơ quan của QH giám sát và quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, dự thảo Luật cần quy định rõ về trách nhiệm giải trình và những loại thông tin cần cung cấp theo 3 cấp độ: đối với công chúng, đối với QH và đối với các cơ quan của QH. UBTVQH sẽ quy định cụ thể nội dung và thời hạn Ngân hàng Nhà nước báo cáo QH, các cơ quan của QH về việc quyết định và thực hiện các chính sách tiền tệ quốc gia của Ngân hàng Nhà nước.

 

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng đã được QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Sáu. Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chỉ đạo việc tổng hợp đầy đủ ý kiến của ĐBQH và đã làm việc với Cơ quan soạn thảo để xem xét việc tiếp thu, giải trình về dự án Luật. Cho đến nay, dự án Luật này còn 6 nội dung lớn mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra – chưa thống nhất. Sáu nội dung còn ý kiến khác nhau về: hoạt động của các tổ chức tín dụng; giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần mà một cá nhân, một tổ chức đầu tư vào một tổ chức tín dụng khác; có cho phép các ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác hay không; có cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cho vay kinh doanh cổ phiếu hay không; giới hạn cho vay của tổ chức tín dụng phi ngân hàng đối với một khách hàng…; về công khai thông tin trong trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

 

Đề cập đến một trong sáu điểm chưa thống nhất ấy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận hỏi: những giao dịch có tính chất tiền tệ trên các thị trường như cà phê, cao su… có nhất thiết phải luật hóa không? Theo lập luận trong dự án Luật là cần thiết. Nhưng vì sao lại phải giao cho Chính phủ quy định? Nếu đã thấy, đây là một vấn đề cần quy định thì nên quy định trong Luật, không nên để Chính phủ quy định ở văn bản dưới luật.

 

Có cho phép ngân hàng thương mại được góp vốn và mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác hay không? Câu hỏi này cũng chính là một trong sáu nội dung còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Chính kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển là nên có độ mở nhất định. Nếu không có những độ mở nhất định, thì như lập luận của Ủy ban Kinh tế là sẽ bó. Trong quá trình xây dựng thị trường tài chính lành mạnh, khi một số tổ chức tín dụng gặp khó khăn thì Nhà nước, nhất là những ngân hàng thương mại của Nhà nước có thể nhảy vào mua cổ phần để cứu các tổ chức tín dụng. Nếu Luật Các tổ chức tín dụng bó hẹp không cho phép mua cổ phần thì xử lý những vấn đề nêu trên sẽ khó khăn. Dự án Luật nên có độ mở.

 

Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của QH, các cơ quan của QH, cơ quan của UBTVQH

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)