Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Thái Nguyên

20/01/2016

Thực hiện kế hoạch chương trình giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”, ngày 20/1, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó trưởng đoàn thường trực Lê Bộ Lĩnh dẫn đầu làm việc và khảo sát tại Khu công nghiệp Thái Nguyên.

Tại đây, Đoàn đã trao đổi về các nội dung trong chương trình giám sát với Ban quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên; khảo sát thực tế tại Công ty điện tử Samsung Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình và công ty RFTech tại Khu công nghiệp Điềm Thụy tỉnh Thái Nguyên.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên

Doanh nghiệp trong nước hạn chế trong áp dụng công nghệ vào sản xuất

Báo cáo trước Đoàn giám sát, đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết tỉnh được Thủ tướng chấp thuận thành lập 6 khu công nghiệp tập trung với diện tích 1.420ha gồm Khu công nghiệp Sông Công I, Khu công nghiệp Sông Công II, Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Điềm Thụy và Khu công nghiệp Quyết Thắng. Các khu công nghiệp đã thu hút được 134 dự án với 62 dự án FDI và 72 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 7 tỷ USD. Tính đến năm 2015, vốn FDI thực hiện đạt 5,8 tỷ USD chiếm 81,7% tổng vốn FDI đã giải ngân trên toàn tỉnh; vốn trong nước giải ngân trên 70%; xuất khẩu 17,2 tỷ USD, nhập khẩu 11,5 tỷ USD, doanh thu tiêu thụ nội địa ước đạt 5000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 8,1 vạn lao động.

Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên cũng thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế thì hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế- xã hội tạo ra từ các dự án đã hoạt động trong Khu công nghiệp còn thấp chưa tương xứng với mức độ sử dụng và khai thác nguồn lực. Quá trình nghiên cứu, đầu tư thiết bị và công nghệ của một số nhà máy còn hạn chế trong quá trình hoạt động phát sinh những sự cố về môi trường. Năng lực sản xuất và tiêu thụ nội địa còn chưa cao nên chưa đóng góp nhiều vào ngân sách.

Các doanh nghiệp trong nước đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chủ yếu tập trung ở lĩnh vực cơ khí chế tạo, chế biến khoáng sản và may mặc. Các dự án thứ cấp thu hút đầu tư chủ yếu là những dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô đầu tư không lớn, công nghệ trung bình. Do đó, đổi mới đầu tư công nghệ trong các dự án công nghiệp còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hậu FDI cũng là vấn đề trăn trở của lãnh đạo tỉnh cũng như Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên. Khi mà số lượng lớn người lao động trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận làm việc tại các doanh nghiệp FDI sau khi hết thời hạn lao động, không có ràng buộc với doanh nghiệp cần được lãnh đạo địa phương quan tâm giải quyết chế độ cho người lao động như chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, trợ cấp thất nghiệp...

Ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc của Thái Nguyên thời gian qua, thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình trước những vấn đề mà Ban quản lý đặt ra. Đoàn giám sát cho rằng các khu công nghiệp phải là nơi ứng dụng và phát triển được công nghệ vào sản xuất và thể hiện trong từng sản phẩm đầu ra. Muốn thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một phần phải được thực hiện thông qua hoạt động của các khu công nghiệp bên cạnh các khu công nghệ cao. Vì vậy, Đoàn giám sát cho rằng định hướng phát triển các khu công nghiệp phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực, phát triển các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đặc biệt việc lựa chọn các dự án đầu tư cần bảo đảm yêu cầu thẩm định, giám định công nghệ.

Đoàn giám sát thăm và làm việc tại Công ty điện tử Samsung Thái Nguyên

Tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của Samsung Việt Nam đạt 20%

Trong buổi làm việc tại Công ty điện tử Samsung Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo Samsung cho biết, Công ty điện tử Samsung Thái Nguyên được khởi công xây dựng tháng 3/2013 và đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm với khoảng 65 nghìn cán bộ, công nhân viên. Cùng với Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh, Tổ hợp Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên đã trở thành nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Tập đoàn Samsung- Hàn Quốc. Trung bình hàng tháng, công ty sản xuất 11 triệu sản phẩm điện thoại và 2 triệu linh kiện điện tử xuất khẩu đến 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Năm 2015, tổng doanh thu của công ty đạt gần 33 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của công ty chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên và khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong quá trình sản xuất các sản phẩm tại Thái Nguyên, Samsung đã liên kết với 250 đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện cung cấp sản phẩm cho Samsung về thỏi nhôm, vỏ sạc điện thoại, hộp, túi đóng gói và sách hướng dẫn.

Trao đổi về tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của Samsung Việt Nam, lãnh đạo công ty cho biết tỷ lệ các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam là khoảng 20%. Tổng giám đốc Khu tổ hợp Samsung Han Myoung Sub cho biết thêm xét về phương diện quốc gia thì tỷ lệ nội địa hóa với linh kiện là vô cùng quan trọng. Với các quốc gia đáp ứng cho công nghệ cao thì tỷ lệ nội địa hóa về công nghệ cao sẽ cao và nếu cơ sở hạ tầng, nền tảng trong nước không đáp ứng được yêu cầu công nghệ thì tỉ lệ nội địa hóa về công nghệ cao sẽ không đạt được. Cần nhấn mạnh rằng có sự khác biệt giữa nội địa hóa trong các sản phẩm công nghệ cao và công nghệ thấp bởi giá trị công nghệ trong tỷ lệ nội địa hóa của sản xuất giầy sẽ khác với sản xuất điện thoại. Vì vậy, Samsung cho rằng Việt Nam cần có các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ công nghệ cao.

Nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, Samsung Việt Nam cũng đầu tư xây dựng Viện nghiên cứu và Phát triển tại Cầu Giấy, Hà Nội với hơn 1300 nhân viên, kỹ sư không chỉ nghiên cứu phát triển các chương trình phần mềm, ứng dụng theo dự án của công ty mẹ Hàn Quốc mà còn độc lập nghiên cứu các sản phẩm cho thị trường Đông Nam Á.

Đánh giá cao tiến độ xây dựng và quá trình vận hành hoạt động của Công ty điện tử Samsung Thái Nguyên, trong đó chú trọng đến phúc lợi xã hội, môi trường làm việc và sinh hoạt cho công nhân, Đoàn giám sát mong muốn trong thời gian tới Công ty điện tử Samsung Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy những thành công, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trở thành trung tâm sản xuất linh kiện lớn nhất của Tập đoàn Samsung, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, có sự liên kết, hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất, cung cấp sản phẩm phụ trợ.

Tin và ảnh: Bảo Yến