Ủy ban Về các vấn đề xã hội hội đàm với Ủy ban Văn hóa và Xã hội Quốc hội Lào Ảnh: Đình Nam
Tại buổi Hội đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu Ủy ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; nhấn mạnh chuyến thăm đã góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai Uỷ ban, hai Quốc hội cũng như bồi đắp thêm mối quan hệ thân thiết giữa hai Đảng, hai Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai đã giới thiệu khái quát về Quốc hội Việt nam cũng như, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Về các vấn đề xã hội theo Luật tổ chức Quốc hội 2014; vai trò của Ủy ban trong việc tham gia xây dựng Hiến pháp và pháp luật, công tác giám sát, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, kiến nghị các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của Ủy ban và công tác đối ngoại….
Chia sẻ vai trò của Quốc hội Việt Nam trong hội nhập Cộng đồng ASEAN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và Cộng đồng ASEAN nói riêng, Quốc hội Việt Nam đóng góp vai trò lớn về nhiều mặt, điển hình như việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập; giám sát tình hình triển khai công tác hội nhập của các Bộ, ngành; thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua kênh ngoại giao nghị viện song phương và đa phương. Phó Chủ nhiệm Vũ Hải Hà cho rằng, sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội và khu vực, cũng như các quốc gia thành viên. Việc Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN đã góp phần tạo môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển đất nước, hỗ trợ đắc lực trong triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế.
Trao đổi kinh nghiệm của Ủy ban trong việc xây dựng Cộng đồng Văn hóa- Xã hội ASEAN (ASCC) về các lĩnh vực phát triển kỹ năng nghề và an sinh xã hội, hợp tác y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, hợp tác Cộng đồng Văn hóa- Xã hội của ASEAN trải rộng, đan xen đa ngành trên nhiều lĩnh vực như lao động, phúc lợi xã hội, phụ nữ và trẻ em, thanh niên, lao động di cư, người cao tuổi, người khuyết tật, y tế, giáo dục,… Cấp độ hợp tác ngày càng nâng cao và đi vào thực chất, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc quá trình hội nhập, liên kết ASEAN, hình thành và nâng cao ý thức hợp tác, phối hợp ở cấp độ khu vực và quốc tế để giải quyết các vấn đề nảy sinh, cùng ứng phó với các thách thức chung trong khu vực.
Với vai trò là cơ quan của Quốc hội có chức năng thẩm tra, giám sát và kiến nghị các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam đã tích cực trong công tác chủ trỉ thẩm tra các dự án thể hiện tinh thần hài hòa, hội nhập ASCC, cũng như giám sát thực hiện các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực này; tăng cường quan hệ hợp tác, phối hợp với các nước trong khu vực và quốc tế.
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát pháp luật, hoàn thiện cơ chế, chính sách; quan tâm các chính sách hỗ trợ các nhóm lao động dễ bị tổn thương; tăng cường các điều điện bảo đảm; phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia; tăng cường giám sát và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu lực của cơ quan quản lý.
Cảm ơn những trao đổi chi tiết của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam về các vấn đề mà Đoàn quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội Quốc hội Lào Phonethep Pholsena chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế, đặc biệt là hình thành Cộng đồng ASEAN, dù đạt được kết quả khả quan trong tăng trưởng kinh tế, thu nhập trung bình, giảm tỉ lệ hộ nghèo song Lào đang phải đối mặt với nhiều thách thức như phát triển nguồn nhân lực, y tế, giáo dục. Vì vậy, những chia sẻ của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam là vô cùng quý giá đối với Lào trong thực hiện chính sách về lao động việc làm, phúc lợi và phát triển xã hội và hợp tác y tế.
Cũng trong buổi Hội đàm, hai bên đã đề xuất việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Ủy ban như việc đa dạng hoá hoạt động hợp tác, mở thêm các hoạt động mới như nghiên cứu kinh nghiệm hai nước, mở rộng các lĩnh vực hợp tác, tăng cường kỹ năng, kinh nghiệm, hoạt động của thành viên hai Ủy ban. Bên cạnh đó, hai bên cũng đề nghị trao đổi Đoàn đại biểu của Quốc hội Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Quốc hội Việt Nam, trao đổi chuyên môn giữa các cơ quan giúp việc; tổ chức tập huấn ngắn ngày cho các đại biểu hai nước với các chủ đề và thế mạnh của mỗi bên hoặc các vấn đề cùng quan tâm nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận giải pháp. Hai bên cũng thống nhất ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đàn đa phương, tổ chức hội nghị quốc tế chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng, thực thi, giám sát về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội...