Từ ngày 13-16.10, tại Hà Nội, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ Bảy, thẩm tra các dự án Luật An toàn thực phẩm, Luật Bưu chính, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thẩm tra dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và cho ý kiến về các Báo cáo giám sát của UB về tình hình thực hiện Nghị quyết của QH đối với 4 dự án, công trình quan trọng quốc gia gồm: dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, dự án Thủy điện Sơn La, dự án đường Hồ Chí Minh và dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng. Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Đặng Vũ Minh chủ trì Phiên họp.
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật An toàn thực phẩm, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sẽ được mở rộng, bao quát hơn nhưng cũng cụ thể hơn các hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm so với Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003. Ngoài việc bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, dự Luật sẽ điều chỉnh cả việc kiểm nghiệm thực phẩm, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.
Cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, nhưng đa số thành viên của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng: dự thảo Luật chưa giải quyết được hai vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong công tác quản lý an toàn thực phẩm là sự phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa cụ thể, thiếu rõ ràng và chưa xây dựng được các chế tài xử phạt nghiêm minh, có sức răn đe cao. Các thành viên của UB đề nghị: cần làm rõ sự phân công, phân cấp quản lý về bảo đảm an toàn thực phẩm ngay trong Luật trên cơ sở phân tích nguy cơ, kiểm soát kịp thời mọi hoạt động của quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm. Một số ý kiến khác cũng cho rằng: cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ chuẩn an toàn thực phẩm trong điều kiện cụ thể của nước ta.
Thẩm tra dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, các thành viên UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành đề xuất của Chính phủ về chủ trương đầu tư, địa điểm xây dựng, nhiệm vụ và quy mô công suất của công trình nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các thành viên UB cũng đề nghị: Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, cung cấp đầy đủ các dữ liệu thông tin làm cơ sở cho ĐBQH xem xét, quyết định; khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá sâu sắc cơ sở của việc đề xuất lựa chọn công nghệ; các giải pháp bảo vệ môi trường; phương án phòng, chống sự cố trong trường hợp bất khả kháng; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các bộ tiêu chuẩn trong xây dựng, vận hành nhà máy... Nếu được QH chấp thuận chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ Sáu thì dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể được khởi công xây dựng vào năm 2014.