Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

03/10/2009

* Nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán phân bổ ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010

Ngày 2.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán phân bổ ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế -xã hội năm 2009, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày, nêu rõ: năm 2009 nền kinh tế nước ta chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng suy thoái. Các chính sách ứng phó của Chính phủ đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, và bền vững. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu và tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đều không đạt kế hoạch QH đề ra. Báo cáo chỉ rõ, trong năm 2010, sẽ tập trung hoàn thiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết làm tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn sắp tới, trong đó tập trung hướng tới thực hiện các đột phá lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 – 2020; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao; tập trung vào việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính…

Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Hà Văn Hiền trình bày cho rằng, bên cạnh những kết quả khả quan thì một số cân đối vĩ mô chưa thật sự vững chắc, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn; tăng trưởng kinh tế vẫn theo quy mô chiều rộng, chất lượng tăng trưởng chưa cao; việc giải ngân nguồn vốn đầu tư vẫn chậm. Việc triển khai thực hiện một số chính sách cụ thể trong gói giải pháp kích thích kinh tế còn có những hạn chế, vướng mắc như: trùng lắp về đối tượng được hỗ trợ lãi suất; triển khai vay hỗ trợ lãi suất chưa đồng bộ giữa các địa phương trên cả nước; số doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp, gây ra sự thiếu bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp và giảm đi ý nghĩa của chủ trương kích cầu. Do vậy, Thường trực UB Kinh tế đề nghị nên dừng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn đúng thời hạn đã được công bố (31.12.2009). Năm 2010 cần đặt trọng tâm vào mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; ngăn ngừa lạm phát cao; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các năm tiếp theo.

Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, cho rằng: chính sách tài chính - tiền tệ năm 2009 đã tạo kết quả tích cực cho tăng trưởng kinh tế và thực hiện dự toán thu chi ngân sách, trong đó, số thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán. Việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế tuy có làm giảm số thu ngân sách của nhiều địa phương, nhưng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo nhiều biện pháp khắc phục, góp phần giảm số hụt thu của ngân sách Nhà nước so với Báo cáo đã trình QH; đáp ứng các nhiệm vụ chi phát sinh về đầu tư phát triển, an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính – Ngân sách của Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ: chính sách tài chính - tiền tệ chưa tạo đòn bẩy để bước đầu chuyển đổi và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tích cực; gói kích thích kinh tế của Chính phủ còn mang tính bình quân và dàn đều, chưa có trật tự ưu tiên; triển khai quá nhiều mục tiêu nhưng giải ngân chậm. Các đối tượng khu vực nông nghiệp, nông thôn và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận với chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa năm 2009. Lượng tiền bơm vào nền kinh tế lớn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao, làm cho hệ số sử dụng vốn ICOR của toàn bộ nền kinh tế tăng lên rõ rệt, cùng với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát trong giai đoạn tới. Thường trực UB Tài chính – Ngân sách đề nghị, trong năm 2010, cơ cấu lại các khoản chi ngân sách Nhà nước; ưu tiên đầu tư cho con người và thực hiện chính sách an sinh xã hội; giảm dần tỷ trọng đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách và giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, nhu cầu chi bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển rất lớn, thì việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010 cần ưu tiên để thực hiện chính sách cải cách tiền lương; bố trí tăng vốn đầu tư cho các vùng kinh tế động lực; bố trí đủ nguồn vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách.

Một số Ủy viên UBTVQH đề nghị mức bội chi ngân sách trong năm 2010 không vượt qua mức 6%, và đưa kế hoạch cụ thể để giảm bội chi ngân sách Nhà nước dưới 5% trong các năm sau. Bởi do mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2010 là 125,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10 nghìn tỷ đồng so với năm 2009 là mức tăng khá lớn. Trong khi đó, nếu bội chi ngân sách tiếp tục tăng cao thì sẽ ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô khác. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phân tích rõ vì sao thu ngân sách trong năm 2009 tăng, mà mức bội chi vẫn tiếp tục tăng cao. Nhìn nhận rõ những yếu tố khiến mức bội chi ngân sách tăng cao trong năm 2009 sẽ rút kinh nghiệm trong cân đối thu, chi trong năm 2010- Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh.

 

(http://nguoidaibieu.com.vn/)