Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật nuôi con nuôi

18/09/2009

Chiều 16/9, tiếp tục phiên họp thứ 23, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật nuôi con nuôi để trình Quốc hội (khóa XII) cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với mục tiêu, quan điểm xây dựng Dự thảo Luật cùng nhiều nội dung quan trọng được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam với nhiều thân phận éo le do hậu quả của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh nên việc nhận và nuôi con nuôi mang tính nhân đạo xã hội sâu sắc, thể hiện tình tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong quan hệ giữa con người với con người.

Việc nuôi con nuôi là nhu cầu chính đáng không chỉ đối với người Việt Nam mà cả với người nước ngoài, nhất là những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm con; phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, sống độc thân.

Vấn đề nuôi con nuôi không phải là mới ở Việt Nam mà đã được điều chỉnh trong Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của Luật. Tuy vậy các quy định pháp luật hiện hành vẫn còn ở trong tình trạng tản mát, chưa đầy đủ, chồng chéo làm cho việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với 14 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang chuẩn bị các thủ tục để phê chuẩn Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế năm 1993 (Công ước La Hay năm 1993).

Vì vậy việc ban hành Luật nuôi con nuôi là cần thiết nhằm bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, tạo động lực thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em; đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về vấn đề này.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể: Về hình thức nuôi con nuôi (Điều 14), Dự thảo quy định hai hình thức nuôi con nuôi là “nuôi con nuôi đơn giản” và “nuôi con nuôi trọn vẹn”.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức này là hệ quả pháp lý, theo đó hình thức “nuôi con nuôi trọn vẹn” sẽ chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa người được nhận làm con nuôi với cha, mẹ đẻ; ngược lại hình thức “nuôi con nuôi đơn giản” không làm chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý này.

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc về quy định này trong Dự thảo bởi đây là một vấn đề mới, khác biệt với truyền thống pháp luật Việt Nam và pháp luật nhiều nước cũng không quy định về vấn đề này.

Quyền nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi là những quyền dân sự của cá nhân nhằm xác lập quan hệ gia đình được ghi nhận trong Bộ Luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy Bộ Luật dân sự cũng như Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành không quy định về các hình thức nuôi con nuôi nhưng các quy định của pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi thực chất không làm chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ.

Việc nhận nuôi con nuôi xuất phát từ tình yêu thương “lá lành đùm lá rách” nên mặc dù được nhận làm con nuôi nhưng trẻ em vẫn không bị hạn chế (cả về nhận thức, đạo lý và pháp luật) cơ hội tiếp tục duy trì mối quan hệ với cha mẹ đẻ và gia đình gốc. Bên cạnh đó, trong điều ước quốc tế về nuôi con nuôi mà Việt Nam ký kết không có hình thức nào quy định về hình thức nuôi con nuôi.

Việc tổ chức nuôi con nuôi như hiện nay vẫn cho phép thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế. Hơn nữa, việc không quy định hình thức nuôi con nuôi mới sẽ tránh được sự xáo trộn các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam, bảo đảm trẻ em được cho làm con nuôi không bị “cắt đứt” mối quan hệ với gia đình, quê hương gốc.

Khoản 2 Điều 12 của Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc là ngoài các khoản lệ phí theo quy định của pháp luật, người thường trú ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi còn phải nộp phí giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật nhằm bù đắp một phần chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em và giải quyết việc nuôi con nuôi.

Nhiều thành viên Ủy ban cho rằng, phí và lệ phí là vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận của Việt Nam trong các hiệp định hợp tác quốc tế và Công ước La Hay năm 1993 về nuôi con nuôi, trong đó khẳng định việc nuôi con nuôi chỉ nhằm mục đích nhân đạo và “không có bất cứ sự trả tiền hay bồi thường nào” cho việc đồng ý nuôi con nuôi. Do đó trong Luật cần có những quy định cụ thể và cơ bản về vấn đề này làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Về Điều 17 của dự thảo Luật quy định “việc nhận trẻ em từ 9 tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó”, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng lâu nay chúng ta còn tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nên trong tư duy xã hội cũng như quy định của pháp luật thường chỉ tập trung vào việc lấy ý kiến trẻ em (đồng ý hay không đồng ý) mà chưa đặt ra vấn đề trẻ em có quyền lựa chọn người nhận nuôi. Dự thảo Luật cần có quy định rõ hơn về vấn đề này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận về nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi (Điều 3); Về cơ quan có thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi (Điều 36); Trình tự, thủ tục liên quan đến nuôi con nuôi; Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ nuôi và con nuôi trọn vẹn (Điều 24); Vấn đề nuôi con nuôi ở khu vực biên giới (Điều 48) và quy định chuyển tiếp về nuôi con nuôi thực tế (Điều 56).../.

 

(http://www.vietnamplus.vn/)