Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về tình hình oan, sai

05/06/2015

Ngày 5/6 thảo luận tại hội trường về tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, nhiều đại biểu đã đánh giá cao hoạt động giám sát cũng như kết quả của Đoàn giám sát về vấn đề này. Đa số các ý kiến phát biểu đều cho rằng Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết về tình hình oan, sai tại kỳ họp này.

Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Quốc hội chọn chuyên đề giám sát này là đúng và trúng, bởi đây là một vấn đề thực tế đang xảy ra trước đây cũng như hiện nay, gây bức xúc trong dư luận xã hội và được nhân dân, cử tri cũng như các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm.

Mặc dù trong thời gian ngắn song Đoàn giám sát đã có nhiều cố gắng, tích cực, khẩn trương tiến hành nhiều công việc thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu và kế hoạch đề ra. Sự hợp tác, cộng tác chặt chẽ của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình thực hiện chuyên đề giám sát này ở các bộ, ngành và các địa phương cũng được Quốc hội hoan nghênh và ghi nhận.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn-Nam Định                                                                                                        Ảnh: Đình Nam 

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn-Nam Định đánh giá, với 5 đoàn giám sát làm việc tại 10 tỉnh, 1 quân khu, nghiên cứu các báo cáo của các bộ, ngành liên quan, của các cơ quan tư pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước, cuộc giám sát đã đạt được những yêu cầu đề ra theo đúng tinh thần Nghị quyết 821 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng tình với nhiều nội dung của báo cáo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương-Ninh Thuận cho rằng, báo cáo đã đưa được ra những nhận định bước đầu về tình hình oan sai, chỉ ra được những nguyên nhân, thiếu sót, đưa ra được nhiều kiến nghị và những giải pháp về những yêu cầu cụ thể đến với cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm giải quyết dứt điểm các vụ án oan sai trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương-Ninh Thuận                                                                                                                               

Đại biểu Phạm Văn Gòn-TP Hồ Chí Minh đánh giá báo cáo được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc nên đã đánh giá được một cách tương đối, chi tiết về tình hình oan sai, việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo đại biểu Phạm Văn Gòn, đây là một tài liệu tốt để các cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và đảm bảo tốt hơn quyền con người và lợi ích hợp pháp của các tổ chức trong tố tụng hình sự.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến-TP Hà Nội cho biết, qua giám sát đã thấy được nhiều cố gắng, nỗ lực và kết quả quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm của các cơ quan tư pháp; đồng thời cũng đã chỉ ra được oan sai, các thiếu sót trong hoạt động tố tụng và nguyên nhân của tình hình này.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng báo cáo cần phân tích sâu sắc hơn các số liệu để làm rõ ngoài nguyên nhân từ phía các cơ quan tư pháp còn có các nguyên nhân từ công tác quản lý cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành, những cơ quan có trách nhiệm giám sát và đảm bảo điều kiện hoạt động cho công tác này một cách tốt nhất.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ-Vĩnh Long đánh giá báo cáo đã cung cấp một bức tranh khá toàn cảnh và đa diện về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự. Báo cáo đã tiếp cận hợp lý về các chức năng của các chủ thể trong hoạt động tố tụng kể cả cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cũng như các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đa số các đại biểu phát biểu tại hội trường đều cho rằng Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát cũng như báo cáo chi tiết về kết quả giám sát cần được gửi cho các ngành, các địa phương, tới các ngành điều tra, truy tố, xét xử của từng tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện một cách nghiêm túc.

Đại biểu Trần Đình Nhã-Thừa Thiên Huế                                                                                                                                 

Đại biểu Trần Đình Nhã-Thừa Thiên Huế cho rằng nội dung của Nghị quyết cần quan tâm về ngân sách và việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra. Chính phủ xem xét sớm trình Quốc hội quyết định đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra. Có lộ trình cụ thể nâng cấp kịp thời các cơ sở giam giữ đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc đã quá tải về giam giữ. Đầu tư cơ sở vật chất, khắc phục ngay tình trạng cơ quan tư pháp thuê trụ sở nơi làm việc.

Tán thành với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng-Bình Dương đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội về đánh giá tình hình oan, sai cũng phải có Nghị quyết ghi nhận về việc xử lý các vụ việc đã được nêu trong báo cáo. Trong đó phải có phân định rõ trách nhiệm của 3 cơ quan tư pháp đồng thời cũng phải xác định trách nhiệm của các địa phương để xảy ra các vụ việc oan sai.

Bảo Yên