
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Phiên thảo luận Chủ đề khẩn cấp Ảnh: TTXVN
Tại phiên thảo luận về chủ đề khẩn cấp, Đại hội đồng đã xem xét nội dung dự thảo Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp được đệ trình bởi Đoàn đại biểu của Bỉ và Australia. Theo đó, cần phải thấy được rằng tất cả các hình thức và biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố đều là tội ác và vô lý, bất kể động lực và các thủ phạm, cũng như các cam kết mà chúng đưa ra; cần phải hiểu rõ rằng chủ nghĩa khủng bố không gắn với bất kỳ tôn giáo, quốc tịch hay nền văn minh hoặc với bất kỳ nhóm dân tộc nào; và những kẻ đưa ra các cam kết, để được cam kết hỗ trợ tài chính và hành động cho khủng bố cần phải được đưa ra công lý.
Các ý kiến thảo luận của các đại biểu đến từ Nghị viện các nước thành viên IPU cho thấy sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố với nhiều hình thái đang là thách thức với quyền lực thế giới. Sự phát triển của các tổ chức khủng bố như Daesh hay Boko Haram, sự tàn bạo và gây ra các tội ác với dân thường, mở rộng mạng lưới của các tổ chức này đang uy hiếp mạnh mẽ đối với quyền lực toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần phải thể hiện cam kết nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ thế giới. Các đại biểu kiến nghị các quốc gia cần phải đoàn kết với nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố một cách toàn diện bằng nhiều hình thức, tăng cường đối thoại hơn nữa để hiểu đúng bản chất của chủ nghĩa khủng bố và có cách thức đối phó hiệu quả.
Tiếp tục nội dung thảo luận chung về chủ đề của Đại hội đồng IPU-132 Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động, các đại biểu nhận định rằng thời gian qua cùng với nỗ lực của Nghị viện, Chính phủ và nhân dân các nước đã có nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Những kết quả trong quá trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ không thể thiếu vai trò chủ đạo, định hướng của các Nghị viện thông qua việc xây dựng chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn tồn tại một số vấn đề như khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, phụ nữ và trẻ em bị đối xử tàn bạo, nghèo đói tại các quốc gia châu Phi… Vì vậy, các đại biểu đề xuất trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ bên cạnh các giải pháp ở tầm quốc gia, các quốc gia trên thế giới cần có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng các cơ chế hỗ trợ phát triển trực tiếp. Để đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hướng đến các Mục tiêu Phát triển bền vững, thời gian tới Nghị viện các nước cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, quan tâm đến nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác để triển khai chính sách, đẩy mạnh vai trò giám sát của mình trong quá trình thi hành của các Chính phủ.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Phiên họp Ảnh: TTXVN
Cũng tại phiên thảo luận chung, thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tổng quan về chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới đang không ngừng thay đổi, quá trình toàn cầu hóa và xu thế dân chủ hóa quan hệ quốc tế đang xóa nhòa ranh giới và khoảng cách giữa các quốc gia, những thành tựu khoa học công nghệ khiến thế giới ngày càng “phẳng” hơn thì nhân loại có cơ hội được sống trong một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, bất ổn và nguy cơ xung đột vẫn tiềm ẩn. Những căng thẳng xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ, các hành động đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế đã và đang đe dọa hòa bình, ổn định, kéo lùi những thành quả phát triển mà chúng ta đã đạt được. Các thách thức toàn cầu, đặc biệt là khủng bố quốc tế, nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, an ninh, an toàn hạt nhân, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt các nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng… tiếp tục là các vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế, đòi hỏi phải tăng cường các nỗ lực chung để ứng phó.
Nhận định rằng hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững, xây dựng một nền hòa bình bền vững dựa trên luật pháp quốc tế là lợi ích chung của tất cả các dân tộc, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia cần tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Trong quá trình tiếp tục hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ, xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, Việt Nam cho rằng các nước cần tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, hỗ trợ mạnh mẽ hơn các chương trình về kết nối, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy kinh tế xanh, để tạo cơ sở lâu dài, bền vững cho hòa bình, an ninh và phát triển.
Mục tiêu của đường lối đối ngoại của Việt Nam là hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong tiến trình chủ động hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì phồn vinh của mỗi dân tộc, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cùng với tiến trình Đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển giữa các dân tộc, qua đó khẳng định là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng.
Khẳng định rằng trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung, quan điểm và lợi ích của các quốc gia có thể khác nhau, nhưng điều gắn kết tất cả các quốc gia là có chung nguyện vọng xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Là cơ quan lập pháp có quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị của các nước, Nghị viện đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đó. Cam kết rằng, thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Nghị viện và nhân dân các quốc gia thành viên IPU, và đóng góp ngày càng tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu cao cả mà tất cả các quốc gia thành viên IPU cùng chia sẻ.