UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo của Chính phủ về một số vấn đề lớn xin ý kiến của UBTVQH về chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo một số ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hiện còn 5 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau gồm: các hình thức sở hữu; việc sử dụng thuật ngữ hành vi pháp lý dân sự, vật quyền, trái quyền; quyền nhân thân; chủ thể và các loại pháp nhân.
Về các hình thức sở hữu, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu gồm: sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu chung; sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Dự thảo Bộ luật quy định hai phương án về hình thức sở hữu. Phương án 1 quy định, hình thức sở hữu gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Theo Báo cáo của Chính phủ, phương án này được xây dựng trên 4 căn cứ: một là, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận các hình thức sở hữu ở nước ta tại các Điều 32, Điều 51 và Điều 53, trong đó có sở hữu toàn dân với tư cách là một hình thức sở hữu độc lập. Hai là, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý các tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do đó, có thể xác định Nhà nước chính là chủ thể có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản này. Vì vậy, trên cơ sở sở hữu toàn dân, Bộ luật Dân sự cần ghi nhận cụ thể vai trò của Nhà nước trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản công. Ba là, cơ chế thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu toàn dân có nhiều điểm đặc thù so với các hình thức sở hữu khác. Do đó, cần phải có chế độ pháp lý riêng biệt về hình thức sở hữu này trong Bộ luật Dân sự. Bốn là, khách thể của sở hữu toàn dân là những tài sản có giá trị lớn, là tư liệu sản xuất chủ yếu của đất nước, do đó, sở hữu toàn dân là hình thức sở hữu rất quan trọng cả về mặt kinh tế và chính trị. Vì vậy, hình thức sở hữu này cần được coi là một hình thức sở hữu độc lập. Phương án 2 quy định, hình thức sở hữu gồm: sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Chính phủ đề nghị quy định trong dự thảo Bộ luật theo phương án 1.
Tuy nhiên, cả hai phương án quy định về hình thức sở hữu nêu trên đều chưa nhận được sự nhất trí của các Ủy viên UBTVQH. Cho rằng, quy định của dự thảo Luật còn có sự lẫn lộn giữa chế độ sở hữu và hình thức sở hữu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng nêu thực tế, hệ thống pháp luật dân sự các nước cũng chỉ quy định hai hình thức sở hữu là sở hữu công và sở hữu tư. Vì vậy, để phù hợp với điều kiện của nước ta và đáp ứng yêu cầu hội nhập, nên quy định 3 hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự là: sở hữu Nhà nước; sở hữu chung và sở hữu tư nhân. Ở góc độ khác, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, việc sử dụng khái niệm sở hữu riêng không làm nổi bật được tuyên bố của Nhà nước ta đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 về việc bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân của dân. Vì vậy, nên thay sở hữu riêng bằng sở hữu tư nhân để thể hiện đúng tuyên bố của Nhà nước.
Về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Chính phủ dự kiến lấy ý kiến nhân dân về 10 vấn đề. Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với đề nghị của Thường trực Ủy ban Pháp luật về việc lựa chọn các nội dung tập trung lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, các nội dung lấy ý kiến nhân dân cần bảo đảm các tiêu chí: có sửa đổi, bổ sung lớn so với Bộ luật Dân sự hiện hành; những nội dung trong quá trình soạn thảo, thẩm tra còn có ý kiến khác nhau; những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, cho ý kiến; nội dung cơ bản, cốt lõi của Bộ luật Dân sự. Ví dụ, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, các quyền nhân thân, quyền tài sản, quyền sở hữu, chế định thừa kế, các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự (cầm cố, thế chấp tài sản, tín chấp...); quy định về lãi suất; quy định chung về hợp đồng, các hợp đồng thông dụng và các vấn đề khác liên quan đến hội nhập quốc tế... Đồng thời, các nội dung tập trung lấy ý kiến nhân dân không nên liệt kê theo điều khoản mà có thể theo nhóm vấn đề để có tính hệ thống, liên kết và bảo đảm khái quát được những nội dung trọng tâm, cơ bản của dự thảo Bộ luật.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật về việc giao Chính phủ là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến và thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2015 của các cơ quan của QH.
Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Ba mươi ba.
Trước đó, dưới sự điều khiển Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Tám và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XIII.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát môi trường do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày, có ý kiến đề nghị rà soát và quy định cụ thể vị trí, chức năng của lực lượng cảnh sát môi trường trên cơ sở quy định của Luật Công an nhân dân; bảo đảm không chồng chéo với các lực lượng trong Công an nhân dân và các cơ quan quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị chỉnh lý Điều 3 của dự thảo Pháp lệnh theo hướng: cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thuộc Công an nhân dân thực hiện chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.
Tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh cảnh sát môi trường, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, dự thảo Pháp lệnh đã được tiếp thu, chỉnh lý gọn gàng và đầy đủ hơn so với bản dự thảo trình UBTVQH tại Phiên họp trước. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với cảnh sát môi trường, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ chủ quản, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước chuyên ngành về tài nguyên, môi trường nên việc tách riêng trách nhiệm của Bộ này và quy định cụ thể tại Điều 15, dự thảo Pháp lệnh là phù hợp nhằm bảo đảm công tác chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp tốt, chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát môi trường trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm hành chính về tài nguyên, môi trường. Cùng nội dung này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, khoản 2 Điều 15 nên chỉnh lý theo hướng, bỏ quy định về trách nhiệm đầu tư trang thiết bị cho cảnh sát môi trường bởi quy định này không tương thích với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ có trách nhiệm hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hợp tác quốc tế, tư vấn, giám sát môi trường.
Với 100% Ủy viên UBTVQH có mặt tán thành, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh cảnh sát môi trường.
Trình bày Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, QH đã xem xét, thông qua 18 Luật, 11 Nghị quyết. Việc ban hành các luật này đã cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các khó khăn, hạn chế trong đời sống, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cũng tại Kỳ họp thứ Tám, QH đã xem xét, cho ý kiến về 12 dự án luật khác để làm cơ sở cho việc tiếp tục tiếp thu ý kiến của ĐBQH, hoàn thiện, trình xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. QH cũng đã thảo luận các báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Đồng thời, tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc những mặt tích cực và những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện từng mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH; xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, kết quả công tác điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp để từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chính sách, điều hành cho năm 2015.
Cơ bản tán thành với Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Tám, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ Tám đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, nhiều vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội cũng đã được quan tâm, giải quyết nhanh và triệt để. Công tác tổ chức Kỳ họp tại Hội trường Ba Đình mới tuy được chuẩn bị trong thời gian gấp rút nhưng đã cơ bản bảo đảm phục vụ tốt các hoạt động của QH. Các Ủy viên UBTVQH cũng đã tập trung phân tích một số hạn chế trong công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp.
Theo Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XIII, QH tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng pháp luật với dự kiến xem xét thông qua 11 Luật và cho ý kiến lần đầu đối với 15 dự án luật. Bên cạnh đó, QH sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. QH cũng sẽ thực hiện giám sát chuyên đề về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của QH năm 2016.
Cơ bản tán thành với Tờ trình, các Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ Chín một số nội dung như: báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 26 của QH về thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường làm cơ sở cho việc định hướng xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; báo cáo về công tác tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 32; báo cáo về Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá... Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, chưa nên thông qua dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Chín mà tiếp tục dành thời gian thảo luận, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các nội dung phân cấp, phân quyền về ngân sách cho chính quyền địa phương. Theo đó, đề nghị thông qua dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ Mười, sau khi thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm tính phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật.