Quốc hội thông qua luật sửa đổi Luật hàng không dân dụng

24/11/2014

Với 81,29% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, sáng 21/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

Máy bay của Vietnam Airlines cất cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Dự thảo Luật quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không.” 

Vấn đề này, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm, hàng không dân dụng là lĩnh vực đặc thù vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế.

Theo Công ước quốc tế về hàng không dân dụng năm 1944 (Công ước Chicago) và Hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì Nhà chức trách hàng không có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về hoạt động hàng không dân dụng của quốc gia; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát trực tiếp toàn bộ hoạt động hàng không dân dụng.

Công việc này diễn ra thường xuyên, mang tính chuyên môn cao. Hơn nữa, Nhà chức trách hàng không phải chịu sự thanh tra, giám sát của ICAO và đánh giá của Nhà chức trách hàng không dân dụng các nước về năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Do đó, quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng là Nhà chức trách hàng không là hợp lý.

Đối với giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, so với Luật giá năm 2012, dự thảo Luật đã bổ sung một số loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá. Những bổ sung này nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số giá dịch vụ phi hàng không thiết yếu. 

Trên cơ sở đó, để bảo đảm hài hòa quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu; đối với giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác sẽ được điều tiết bởi cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(Theo TTXVN)