Theo báo cáo tóm tắt tình hình KT - XH năm 2014 và kế hoạch phát triển KT - XH năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Vinh trình bày, tình hình KT - XH trong 9 tháng năm 2014 tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua đạt 5,62% cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, tăng 8,3%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng 3%, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 và tiếp tục có xuất siêu. Lạm phát được kiểm soát. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định. Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Dự kiến một số chỉ tiêu kinh tế của năm 2015 gồm GDP tăng khoảng 6,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu ở mức 5%, tỷ lệ bội chi ngân sách khoảng 5%, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 28% GDP, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%. Một số chỉ tiêu xã hội dự kiến gồm tỷ lệ giảm hộ nghèo từ 1,7% - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo 50%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%,…
Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2014 và 4 năm 2011 - 2014; Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập chưa có xu hướng thay đổi tích cực, trong đó nổi lên vấn đề tác động không thuận của tình hình thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, vận tải hàng không, khai thác thủy hải sản, sụt giảm mạnh về số lượng tiêu thụ, xuất khẩu hoặc về giá một số hàng hóa... tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống nông dân. Cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn; việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại.
Về mục tiêu tổng quát phát triển KT - XH trong năm 2015, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra đề nghị trong thời gian tới cần tập trung “tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”. Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2015, cơ quan thẩm tra đề xuất: tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; đẩy mạnh thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường công khai, minh bạch trong định giá và điều hành giá đối với một số mặt hàng do Nhà nước quản lý để tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội; cụ thể hóa các giải pháp, trong đó tập trung nguồn lực cải cách tiền lương, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm cá nhân là động lực để nâng cao năng suất lao động một cách rõ rệt; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên tất cả các mặt công tác;…
UBTVQH cũng đã nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Đánh giá cao của nỗ lực Chính phủ trong điều kiện khó khăn của ngân sách nhưng đã rất cố gắng hết mức để bảo đảm một số chính sách xã hội, chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu ý kiến, Báo cáo của Chính phủ thuộc lĩnh vực xã hội nên có đánh giá những vấn đề mới trong năm 2014, đề xuất năm 2015. Đề nghị đến thời điểm này nên có nhận định, cơ bản Việt Nam đã định hình xong hệ thống chính sách an sinh xã hội bao gồm 3 nhóm chính sách: một là chính sách việc làm, nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro có hai trụ cột là BHXH, BHYT, và chính sách giảm nghèo và nhóm chính sách khắc phục. Việc định hình chính sách này rất quan trọng, mục tiêu liên quan đến đối tượng bao phủ an sinh và chất lượng an sinh là một trong những vấn đề còn phải phấn đấu nhiều hơn.
Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng, công tác đánh giá chính sách người có công còn nhạt nhòa, rất nhiều chính sách mới về người có công được triển khai thực hiện, trong đó có nâng mức trợ cấp cho người có công. Trong một thời gian dài, chúng ta điều chỉnh chính sách người có công và việc này đã được ghi nhận. Mặc dù lương cơ sở chưa được tăng nhưng năm nào cũng quyết định nâng mức trợ cấp của người có công. Điều này cần phải ghi nhận những chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó còn có giải quyết hồ sơ tồn đọng. Với số lượng 50 nghìn hồ sơ tồn đọng khi Ủy ban Về các vấn đề xã hội đi giám sát, nhưng Bộ LĐ, TB và XH phối hợp với Bộ Quốc phòng ra thông tư liên tịch, đến nay dù số lượng không giải quyết như mong muốn nhưng bước đầu đã có 8 nghìn hồ sơ đã được giải quyết qua quá trình thay đổi xác nhận. Về chính sách giảm nghèo có 2 vấn đề cần bổ sung, thứ nhất là quan tâm đến người nghèo vùng dân vùng dân tộc thiểu số. Thứ hai, hết năm 2015 bắt đầu chuyển sang chuẩn nghèo theo phương pháp hoàn toàn mới là phương pháp đa chiều, đề nghị Chính phủ bổ sung đưa vào báo cáo.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề, theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách các địa phương tăng rất cao. Vậy việc giao dự toán thu ngân sách các tỉnh đã sát chưa. Tại sao có nhiều tỉnh thu ngân sách vượt dự toán cao như vậy? Về đánh giá nguồn thu ngân sách năm 2015, báo cáo dự kiến tăng 14%. Theo báo cáo, năm 2014 có tới 213 nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ, không phát sinh tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm tới 68,6% tổng số doanh nghiệp. Và tính đến 31/8, có thêm 47 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, số nợ thuế tăng so với năm 2013. Điều này phù hợp với báo cáo đánh giá của Chính phủ, đó là tăng trưởng tín dụng năm 2014 thấp; kinh tế tăng trưởng chủ yếu ở khu vực gia công, là khu vực có nguồn thu thuế thấp. Hơn nữa, số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động chỉ có 26%, tương đương 11 nghìn doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký mới năm 2014 có tăng. Số doanh nghiệp này phải ít nhất 2 năm mới có doanh thu được. Trên cơ sở này, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, năm 2015 tăng thu 14% có cơ sở không? Đề nghị làm rõ căn cứ dự toán nguồn thu ngân sách năm 2015.
Nhận xét 2 báo cáo của Bộ KH - ĐT và Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng, các báo cáo đã cho thấy bức tranh tổng thể chung của năm 2014. Tuy nhiên, vai trò chủ quan của chúng ta trong năm 2014, điều này báo cáo thể hiện còn hạn chế. Khách quan thì rõ rồi nhưng vai trò quản lý điều hành chủ quan của chúng ta có vấn đề gì? Hiện có rất nhiều trường hợp không thu được thuế, trốn thuế, gian lận. Có vấn đề về mặt chủ quan trong quản lý điều hành của chúng ta. Đề nghị nên bổ sung thêm, làm sâu sắc thêm, nói rõ trách nhiệm quản lý điều hành. Mặt khác, kinh tế nông nghiệp của chúng ta phải phát triển theo hướng kinh tế hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh lớn. Nhưng điểm yếu nhất trong kinh tế nông nghiệp là kinh tế tự phát rất nặng. Tính tự phát của kinh tế nông nghiệp rất nặng, từ bắc chí nam, miền núi đến đồng bằng đều có vấn đề này. Vai trò quản lý của Nhà nước làm sao để giảm dần tính tự phát này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước.
* Cùng ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu bế mạc Phiên họp.