Chiều 29-9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đăng đàn trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiến trình tái cơ cấu đã đi đến đâu?
Đó là câu hỏi được ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu ra cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ghi nhận “những tín hiệu khả quan” trong nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nhưng ông Nghĩa vẫn tỏ ra sốt ruột: “Đề nghị Thống đốc cho biết sức khỏe của các ngân hàng thương mại (NHTM), nhất là NHTM nhà nước, hiện ra sao”?
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cho đến nay, tất cả các NHTM nhà nước đều đã xây dựng đề án tái cấu trúc. Đã có 4 NHTM nhà nước được cổ phần hóa, chỉ trừ NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc cổ phần hóa các ngân hàng đã diễn ra với kết quả tốt ngoài sức mong đợi, phát hành cổ phiếu đều đạt giá cao.
Thừa nhận rằng NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là NHTM nhà nước có nhiều yếu kém, hậu quả để lại rất nặng nề, song ông Bình cho hay, đề án tái cơ cấu ngân hàng này với 8 cấu phần đã được Chính phủ phê duyệt, đang tổ chức triển khai. Hiện gần như toàn bộ ban lãnh đạo của ngân hàng này đã được “thay máu”.
“Đây là biện pháp rất mạnh, cán bộ NH cũng có phần xao xuyến, nhưng vì nhiệm vụ chung của ngành, chúng tôi phải kiên quyết làm. Đến nay đã có những tiến bộ hết sức rõ rệt, năm nay NH này có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng 7-8%; đặc biệt là dòng vốn đã tập trung cho nông nghiệp và nông thôn chứ không dàn trải nữa”, ông Bình giải trình.
Tuy nhiên, ông Bình lưu ý, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém mới chỉ là một nội dung trong giai đoạn đầu của tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng. Rất nhiều biện pháp, từ điều hành chính sách tiền tệ cho đến xử lý tổ chức tín dụng... phải được thực hiện đồng bộ mới có thể đảm bảo ổn định vĩ mô, tăng trưởng bền vững.
Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội) liên quan đến trách nhiệm của Thống đốc trong những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vụ việc ở Ngân hàng Xây dựng, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thẳng thắn trả lời: “Dù là sai phạm xảy ra ở đâu, khi nào trong ngành Ngân hàng thì là người đứng đầu, tôi vẫn phải chịu trách nhiệm. Nhưng phương châm của chúng tôi là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, tạo điều kiện tối đa cho các bên tự khắc phục hậu quả, chỉ đến khi không khắc phục được mới đưa ra cơ quan pháp luật để xử lý”. Thống đốc cho biết thêm, ông đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của mình trong báo cáo kết quả công tác và “bản kiểm điểm đó tôi cũng có đem theo ở đây”.
Nợ xấu đã minh bạch hơn và đang được giám sát chặt chẽ
Rất nhiều ý kiến tại phiên chất vấn đề cập đến tình trạng nợ xấu và những giải pháp xử lý. ĐB Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực UB Kinh tế hỏi: “Xã hội rất quan tâm đến tình hình nợ xấu. Liệu có phải chúng ta bắt bệnh chưa chuẩn hay kê thuốc chưa đúng mà nợ xấu có tín hiệu tăng trở lại hay không”?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích: “Chúng ta bắt bệnh đúng, chữa bệnh trúng, nhưng liều lượng phải tùy thuộc vào khả năng của chúng ta có thuốc đến đâu cũng như sức khỏe của người bệnh thế nào. Nếu dành được 10% - 20% GDP để xử lý nợ xấu thì bệnh khỏi ngay, nhưng nguyên tắc của chúng ta là không dùng ngân sách nhà nước để xử lý. Không có nguồn lực tài chính hiện thực thì không thể mua đứt bán đoạn nợ xấu được. Đó là chưa kể khung pháp lý cho VAMC hoạt động cũng có nhiều hạn chế, chúng tôi đã có báo cáo trình Chính phủ, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể”.
Mặc dù vậy, theo Thống đốc, đến cuối tháng 8-2014, VAMC đã mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, VAMC đang tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ đã mua để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật (cơ cấu lại, bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm...).
Công nhận nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, ông Bình cũng chỉ ra một nguyên nhân đáng lưu ý là việc các TCTD áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn đã phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu.
“Chúng ta có hốt hoảng vì nợ xấu không? Không chủ quan, nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh. Đến nay, tôi xin khẳng định là tình hình nợ xấu đã minh bạch hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2012 và đang được giám sát chặt chẽ”, người đứng đầu NHNN khái quát.
Tín dụng sẽ đạt mức tăng trưởng 10%
Nhằm giải tỏa lo lắng của các ĐB Phùng Văn Hùng, Nguyễn Sỹ Cương... về tăng trưởng tín dụng đạt thấp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích khá tự tin: “Tăng trưởng tín dụng không phải chỉ tiêu pháp lệnh mà phải dựa vào thực tế tình hình kinh tế; nhưng tôi có thể nói là đang bám khá sát mục tiêu. Tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 22-9-2014 tăng 6,62% so với cuối năm 2013, trong đó tín dụng bằng VND tăng 4,39%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 20,77%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng khá cao. Với việc tín dụng đến cuối tháng 8-2014 đã tăng 6,21%, thì đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt được khoảng 10%. Đó là mức phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế”.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế về việc vốn ngân hàng đem đi mua trái phiếu Chính phủ, ông Bình cho biết thêm, đến cuối tháng 8-2014, đầu tư, kinh doanh trái phiếu Chính phủ của các TCTD tăng 21,56% so với cuối năm 2013. Trong điều kiện tín dụng tăng chưa cao, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của các TCTD là gián tiếp đầu tư vốn vào nền kinh tế, có tác dụng tích cực, kích thích nền kinh tế - Thống đốc bày tỏ quan điểm.
Sáng 29-9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình về các nội dung xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…
Chưa hướng dẫn được vì phải… chờ nhiều quy định khác
Là người “mở màn” chất vấn, ĐB Nguyễn Minh Chiến (Bạc Liêu) nhận xét, về cơ bản, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai đã được Bộ ban hành khá kịp thời nhưng đến nay vẫn chưa có quy định về việc người được giao/cho thuê đất thực hiện ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án như thế nào. Tương tự, Luật Đất đai quy định Chính phủ ban hành định kỳ khung giá đất 5 năm 1 lần, địa phương căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá của địa phương mình; nhưng “Bộ đã tham mưu Chính phủ chưa mà giờ này địa phương có để tính toán, ban hành cụ thể khung giá đất của địa phương mình”?
Đi vào một vấn đề cụ thể tại Hà Nội, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận) nói: “Chúng tôi được biết, ngoài câu chuyện cấp sổ đỏ cho người đã chết, còn có sự chậm trễ, tham nhũng trong việc cấp sổ đỏ cho các dự án chung cư. Có dự án bàn giao cả năm mà người dân vẫn không được cấp sổ, ai đóng “phí bôi trơn” 8 triệu đồng mới được cấp. Quy trình, thời hạn giải quyết rất mập mờ. Dân bức xúc gửi văn bản lên Sở Tài nguyên và Môi trường thì không được trả lời. Các quy định của Bộ về vấn đề này thế nào? Bộ có thường xuyên thanh kiểm tra thực tế tại các địa phương?”.
Trả lời ông Nguyễn Minh Chiến, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, việc ký quỹ thực hiện dự án có liên quan đến pháp luật về đầu tư, do đó phải đợi Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua để thống nhất quy định về ký quỹ.
“Bộ thực sự còn nợ 2 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khung giá. Nhưng phải có nghị định về giá mới quy định được khung giá. Chúng tôi sẽ trình Chính phủ trong tháng 9; từ tháng 1-2015 sẽ áp dụng khung giá đất mới. Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được trình Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình.
Trả lời ĐB Nguyễn Sỹ Cương, ông Nguyễn Minh Quang nhận định, việc cấp sổ đỏ chậm có nhiều nguyên nhân, không loại trừ tiêu cực. Trong đó có trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương, nhất là tại đô thị. Với Hà Nội, tình hình cấp sổ đỏ tại các chung cư đúng là khá phức tạp; Bộ đã cử nhiều đoàn công tác xuống để hướng dẫn pháp luật, phối hợp tìm giải pháp. Trong Bộ thủ tục hành chinh về đất đai mà Bộ đã công bố cuối tháng 8 thì thủ tục đã được rút gọn rất nhiều, nhưng còn do người thực hiện trực tiếp có thực hiện đúng hay không lại là vấn đề khác...
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhẹ: “Xin Bộ trưởng lưu ý bây giờ đã là cuối tháng 9”.
Luật Đất đai làm khó nhà đầu tư?
Hai lần đứng dậy để nêu và sau đó tiếp tục làm rõ câu hỏi, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM, TS Trần Du Lịch cho biết, khi Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Luật Kinh doanh bất động sản thì các nhà đầu tư phản ánh một bức xúc lớn.
“Họ có nói với chúng tôi là phải phân biệt 2 trường hợp được giao đất; một là chưa đền bù giải tỏa, cái này phải ký quỹ thì đúng rồi; nhưng trường hợp thứ 2 là nhà đầu tư đã bỏ tiền ra đền bù rồi, nói nôm na là “mua” đất của người sử dụng rồi thì bắt họ bỏ thêm tiền ra ký quỹ là vô lý”, ông Trần Du Lịch nói.
Vẫn theo ĐB Trần Du Lịch, Hiệp hội Khu công nghiệp (KCN) TPHCM cho biết, theo quy định hiện hành thì chỉ khi đóng hết tiền sử dụng đất một lần cho cả thời gian thuê, nhà đầu tư KCN mới được cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất dài hạn (50 năm) để có thể thế chấp, vay vốn ngân hàng. Các DN thuê đất trong KCN thì muốn trả tiền một lần, nhưng nhà đầu tư KCN thì không thể cho thuê được 100% diện tích đất, “bắt” nhà đầu tư đóng hết cả cục là làm khó họ, nên cho phép cho thuê được đến đâu đóng tiền đến đó (và cấp giấy). Có như vậy thì các DN trong khu (đã đóng hết tiền một lần) mới có cơ hội thế chấp giấy để vay vốn ngân hàng. “Như thế, Luật chưa vào đến cuộc sống đã tắc rồi”, ông Trần Du Lịch thẳng thắn nhận định khi tái chất vấn.
Chia sẻ với khó khăn của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Minh Quang cho biết, trường hợp đã đền bù giải tỏa xong thì không phải đóng tiền ký quỹ. Riêng về quy định đóng tiền một lần để được cấp GCN có thể thế chấp vay vốn ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết việc này còn liên quan đến các quy định của ngân hàng. Ông ghi nhận, tiếp thu và hứa sẽ bàn với các cơ quan có liên quan để hướng dẫn rõ hơn…
Bên cạnh lĩnh vực đất đai, các vị ĐBQH cũng nêu nhiều chất vấn về hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản, đặc biệt là với cát sỏi lòng sông – một việc làm “rút ruột quốc gia, hủy hoại môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của nhân dân” – như nhận xét của ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp. Tình trạng “người cần không có, người có không cần, nhưng không trả lại” đối với đất nông nghiệp; sự chậm trễ trong đo vẽ, lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nông lâm trường… cũng là những vấn đề được đặt ra cho người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu bế mạc toàn bộ hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn - tài nguyên và ngân hàng - chính là “vật tư” chủ yếu và “mạch máu” của nền kinh tế. Hai lĩnh vực này mà tốt thì việc thực hiện kế hoạch năm 2015; kế hoạch 5 năm 2016-2020 và những năm tới sẽ rất thuận lợi.
Đánh giá cao chuyển biến tích cực trong cả hai lĩnh vực nói trên, song Chủ tịch QH cũng đặt ra một số yêu cầu rất cụ thể. Với ngành tài nguyên – môi trường, đó là thúc đẩy và tiến tới hoàn thành công việc cấp sổ đỏ lần đầu trong năm 2015; xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo đất đai còn tồn đọng, góp phần ổn định xã hội...
Về chính sách tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở: “Chất lượng điều hành tài chính tiền tệ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế có quan hệ xoắn xuýt với nhau. Kinh tế phát triển tốt thì thị trường tiền tệ tốt và ngược lại. Tôi mong muốn Thống đốc thực hiện được lời hứa từ đầu nhiệm kỳ là xây dựng được một hệ thống TCTD lành mạnh; hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế, kiên quyết không để nợ xấu tăng thêm trong khi chưa xử lý hết số cũ”.
|
|