Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, tại Hội nghị lần này, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 6 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Căn cước công dân; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhấn mạnh đây là những dự án luật quan trọng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức QH về bảo đảm quyền tự do kinh doanh, đầu tư của công dân. Chủ tịch QH mong muốn các ĐBQH hoạt động chuyên trách đóng góp ý kiến hoàn thiện và nâng cao chất lượng các dự án Luật ; chỉ xem xét, thông qua các dự án luật đáp ứng chất lượng, yêu cầu đề ra.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Hội nghị đã thảo luận về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Báo cáo Một số vấn đề dự kiến giải trình, tiếp thu chỉnh lý và xin ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày nêu rõ, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của QH như dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, một số quy định của dự thảo Luật chưa cụ thể hóa được đầy đủ các quy định của Hiến pháp về QH, chưa thể hiện đầy đủ vai trò, vị trí của QH trong hệ thống cơ quan nhà nước và trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH cho rà soát để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cụ thể hóa 15 khoản trong Điều 70 của Hiến pháp thành 16 điều cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của QH tương ứng với 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước…
Nhiều ý kiến tán thành với quy định về ĐBQH trong dự thảo Luật, cũng có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật chưa làm rõ vai trò của đại biểu; cơ chế hoạt động của ĐBQH còn nặng về hành chính; quyền hạn của đại biểu chưa rõ ràng; số lượng ĐBQH chuyên trách tuy có tăng nhưng chưa đáng kể. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thể hiện rõ trách nhiệm của ĐBQH trong việc tham gia các hoạt động của QH, các cơ quan của QH, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, thể hiện rõ các quyền của QH đã được Hiến pháp ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, trình kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH; đồng thời quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm để ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Dự thảo Luật quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH. Tán thành với quy định này, ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu tỷ lệ ĐBQH chuyên trách nhiều quá sẽ mất tính đại diện của QH. Đại biểu lưu ý, bên cạnh yêu cầu tăng số lượng, cần chú ý đến việc tăng chất lượng của các ĐBQH chuyên trách. Luật cần quy định cụ thể tiêu chuẩn của ĐBQH chuyên trách, trong đó, ĐBQH chuyên trách cần phải có năng lực xây dựng pháp luật và năng lực giám sát. Đồng thời, cần phải quy định ĐBQH chuyên trách dành ít nhất 1/3 thời gian để tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, qua đó, thể hiện tính đại diện cho cử tri. Trong khi đó, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề xuất, tỷ lệ tối thiểu 40% ĐBQH chuyên trách trên tổng số ĐBQH. Đồng thời, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách cơ quan hành pháp cần ít hơn cơ quan lập pháp và tư pháp, nhằm bảo đảm tính khách quan khi thông qua luật. Đồng thời quy định mỗi đoàn ĐBQH có ít nhất 2 ĐBQH chuyên trách trở lên để bảo đảm hoạt động tốt hơn. Với quy định tiêu chuẩn của ĐBQH chuyên trách, đề nghị bổ sung quy định ĐBQH chuyên trách là người có “bản lĩnh”.
ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề, vai trò của ĐBQH chuyên trách thời gian qua được chúng ta khẳng định là tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của QH. Vậy tại sao chúng ta hạn chế số lượng? Đại biểu đề nghị nâng số lượng ĐBQH chuyên trách là 50% tổng số ĐBQH. Theo ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), dự thảo Luật cần phải làm rõ ĐBQH chuyên trách và không chuyên trách. ĐBQH phải gắn với cử tri, cần phải xác định một tỷ lệ thời gian ĐBQH ngồi ở địa phương là bao nhiêu để giải quyết vấn đề của cử tri. Cần phải quy định rõ nội dung này trong dự thảo luật.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ băn khoăn về quy định về địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH. ĐBQH Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, cần phải xác định rõ địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH trong dự thảo Luật. Cần phải khẳng định Đoàn ĐBQH là một tổ chức, một cơ quan vì đây là cơ quan phối hợp hoạt động với HĐDT và các cơ quan của QH rất hiệu quả. Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) cho rằng thực tế Đoàn ĐBQH đã hoạt động quy củ, có hiệu quả tại địa phương nhưng chưa có địa vị pháp lý. Có một mâu thuẫn là lâu nay Đoàn ĐBQH không được xác định là cơ quan nhưng vẫn ban hành kế hoạch giám sát. Việc xác định rõ địa vị pháp lý mới bảo đảm cho Đoàn ĐBQH có thể thực hiện được các nhiệm vụ được quy định trong dự thảo luật. ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị cần thay đổi quan niệm thay vì chỉ là một hình thức tổ chức, cần xác định Đoàn ĐBQH thành một thể chế ở địa phương, từ đó định nghĩa lại Đoàn ĐBQH cũng như quy định cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan này.
+ Buổi chiều, Hội nghị thảo luận về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Căn cước công dân.