Góp ý Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

04/09/2014

Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân có 11 chương với 99 điều.

Sáng 4/9, tại thành phố Đà Nẵng, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp nội dung Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Tham dự Hội nghị có các đại biểu Quốc hội, đại diện HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Dự thảo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân kế thừa và phát triển các quy định trong Luật Bầu cử hiện hành. Những nội dung mới chủ yếu là qui định về Hội đồng Bầu cử Quốc gia; sửa đổi một số qui định hạn chế, bất cập, liên quan đến qui trình, thủ tục bầu cử...

 

Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND

Các đại biểu tham dự Hội nghị cơ bản thống nhất việc hợp nhất 2 luật hiện hành là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thành Dự thảo Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Theo đó, Dự thảo Luật mới có 11 chương với 99 điều. So với hai luật hiện hành, dự thảo luật có 7 điều mới, 42 điều được sửa đổi, bổ sung và 52 điều giữ nguyên.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số vấn đề về cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân; thời gian chuẩn bị công tác bầu cử, kết thúc bầu cử, tiến hành kiểm phiếu; việc công khai lý lịch của các đại biểu ứng cử; vai trò của UBMTTQVN các cấp trong hoạt động bầu cử.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Nhiệm vụ của Luật vừa điều chỉnh được các vấn đề trong bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân trong cùng một ngày cũng như trong các ngày khác nhau. Ngoài việc bầu lại, bầu thêm, bầu bổ sung còn các trường hợp khác là bầu ở các đơn vị hành chính mới được thành lập, mới được chia tách, thì cũng có những bầu cử riêng. Vì vậy, nhiệm vụ của luật này vừa điều chỉnh được các vấn đề trong bầu cử chung đó nhưng đồng thời vừa điều chỉnh được các bầu cử riêng lẻ.

(Theo VOV)