Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban đã nghe các chuyên gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ nhằm khắc phục những bất cập tồn tại của Luật Tổ chức HĐND và UBND sau 11 năm thi hành mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý chính quyền địa phương.
Dự thảo Luật gồm có 8 chương, 210 điều, gồm: Những quy định chung; Tổ chức đơn vị hành chính; Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND; Tổ chức và hoạt động của HĐND; Tổ chức và hoạt động của UBND; Công khai, minh bạch và bảo đảm sự tham gia của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; Tổ chức chính quyền địa phương trong trường hợp thay đổi đơn vị hành chính và trong trường hợp đặc biệt; Điều khoản thi hành.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, về tên gọi của dự thảo luật, Nhóm nghiên cứu tán thành với tên gọi của dự thảo luật là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tên gọi này thống nhất với tên gọi các luật về tổ chức bộ máy của Nhà nước ta và phù hợp với quy định của Hiến pháp mới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tên gọi này chưa phản ánh đầy đủ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật vì ngoài vấn đề về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương, dự thảo luật còn điều chỉnh cả về đơn vị hành chính và hoạt động của chính quyền địa phương.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, nhóm nghiên cứu cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhưng đề nghị ban soạn thảo lý giải thêm một số vấn đề sau: Tán thành với việc quy định về đơn vị hành chính trong dự thảo nhưng đề nghị cân nhắc liều lượng quy định cho phù hợp và bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng lặp với các luật khác như vấn đề phân loại hành chính, phân loại đô thị…
Về việc xác định “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc trung ương là “thành phố”, thành phố này được chia thành “phường và xã”. Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị làm rõ đơn vị hành chính tương đương là gì? Việc dự thảo Luật chia thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thành phường, xã là chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, tính chất của đơn vị hành chính này. Cũng có ý kiến cho rằng, cách phân chia như vậy là chưa xác định rõ tính chất của thành phố thuộc thành phố là đô thị hay nông thôn, nếu là đô thị thì không có xã, nếu là nông thôn thì không có phường.
Góp ý cho dự thảo luật, GS,TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Viện Chính sách công và pháp luật cho rằng, trong Hiến pháp chương Chính quyền địa phương là chương mới, có đề cập vấn đề phân chia đơn vị hành chính. Luật cần phải cụ thể hóa cấp lãnh thổ như thế nào? Luật chưa làm rõ 3 cấp. “Thẩm quyền của mỗi cấp cần làm rõ ra sao, nếu không nhìn vào đó sẽ như ma trận, mỗi cấp có địa vị pháp lý riêng như thế nào? Mối quan hệ giữa trung ương và địa phương (là điểm mới của Hiến pháp, Điều 112) nhưng trong Luật này chưa thể hiện rõ nội dung này. Tự quản đia phương là xu hướng của thế giới, điều này đã có chủ trương nhưng tại sao lại chưa được cụ thể hóa ở trong Luật? Ít nhất trong luật này cũng phải mở ra được gam, độ nào đó của tự quản địa phương” – GS Đào Trí Úc nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ địa phương, ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Hà Nội mấy năm vừa rồi đã tập trung phân cấp theo đúng quan điểm những nhiệm vụ nào cấp chính quyền cơ sở làm tốt thì phân cấp hết. Nhưng có những việc phân cấp xong thì lại phải rút nó về vì khi thực hiện không đủ điều kiện duy trì ví dụ vấn đề quy hoạch hay vấn đề cấp nước không thể cấp xã làm được mà phải cả tuyến. Ông Khanh cũng kiến nghị “đã gọi là chính quyền đô thị thì cấp trên phải quyết định bộ máy của cấp dưới nếu không sẽ khó chỉ đạo”.
GS Trần Ngọc Đường, Chuyên gia cao cấp của Quốc hội nhận xét: “Không thể có cấp chính quyền mà thiết chế hoạt động hình thức. Hiệu quả hoạt động của UBND chính là hiệu quả của Hội đồng nhân dân. Có lúc đã quy định UBND là cơ quan thường trực giữa hai nhiệm kỳ của HĐND. Dự thảo phải có quy định gắn kết hai thiết chế này chứ không phải đẻ ra nhiều bộ máy. Còn ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thì kiến nghị phải làm rõ hơn việc phân cấp phân quyền địa phương. Địa phương phải được tạo điều kiện có quyền tự quyết nào đó về ngân sách và kể cả về mặt một số nhân sự…
Chiều 18-8, Uỷ ban Pháp luật tiếp tục nội dung họp cho ý kiến về dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương.