Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội thảo Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng

01/08/2014

Ngày 1.8, tại Thái Nguyên, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

Hiện nay nước ta có khoảng 16 triệu hécta rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên khoảng 10 triệu hécta. Đảng và Nhà nước xác định, tài nguyên rừng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển rừng. Nghị quyết Trung ương Bảy, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ rõ: lâm nghiệp phải phát triển toàn diện, từ quản lý, trồng, cải tạo, làm giàu rừng để khai thác chế biến lâm sản; bảo vệ môi trường cho khu vực sinh thái; có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện khuyến khích cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Trong 5 năm qua, triển khai thực hiện Nghị quyết này, diện tích rừng trên cả nước tiếp tục tăng nhanh, ổn định. Bình quân trồng được 226.000ha/năm. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật giảm dần. Sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, ngày càng thích ứng với biến đổi của thị trường thế giới. Xuất hiện một số mô hình trồng rừng gắn với chế biến có hiệu quả, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác rừng tự nhiên, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Năng suất, chất lượng, giá trị rừng sản xuất thấp. Giá trị gia tăng lâm sản thấp, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng.

Phân tích nguyên nhân khiến ngành lâm nghiệp chưa phát huy hết thế mạnh của mình, nhiều đại biểu cho rằng, cơ chế, chính sách đầu tư cho lâm nghiệp còn chưa quan tâm đến đặc thù của lâm nghiệp, đó là chu kỳ dài, lại hoạt động ở vùng khó khăn gắn với đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đồng bộ, chưa được thực hiện một cách triệt để như: giao đất giao rừng, chính sách hưởng lợi, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… Chính sách đầu tư, tín dụng, tài chính cho lâm nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên rừng, thuế đất, mức đầu tư trồng rừng.

Nhiều đại biểu đề nghị, nên sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng, nhằm khắc phục các hạn chế nêu trên; bảo đảm sự đồng bộ của Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học. Khi sửa đổi Luật cần có chủ trương bảo đảm nguồn tín dụng cho lâm nghiệp, đó là: Ngân hàng Nhà nước dành khoản tín dụng 2.000 tỷ đồng/năm cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trồng rừng gỗ lớn với lãi suất ưu đãi. Có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng rừng. Đồng thời, các bộ, ngành địa phương cần triển khai thực hiệån quyết liệt, có hiệu quả hơn nữa đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Cổng thông tin điện tử

(http://daibieunhandan.vn)