Theo chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy về lâu dài việc tách bạch, chuyên môn hóa hoạt động công chứng là cần thiết. Tuy nhiên, xét điều kiện và hoàn cảnh thực tế nước ta hiện nay, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình công chứng. Phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị cần quy định công chứng viên phải liên đới chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch và tính hợp pháp của văn bản được dịch để đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này.
Với nội dung về tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với công chứng viên, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu yêu cầu đưa vào luật này những quy định có tính nguyên tắc. Công chứng viên có trách nhiệm tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp và chịu sự quản lý, điều chỉnh nhất định từ tổ chức này là hợp lý và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về tuổi hành nghề của công chứng viên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Trương Thị Mai cho rằng, Bộ luật Lao động không khống chế tuổi hành nghề, chỉ khống chế độ tuổi lao động, nên quy định giới hạn tuổi hành nghề công chứng như dự thảo Luật sẽ không thống nhất với Bộ luật Lao động. Mặt khác, Luật Người cao tuổi cũng quy định, người cao tuổi được tiếp tục lao động nếu có đủ khả năng làm việc và được cơ quan, tổ chức ký hợp đồng với họ. Vì thế, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, không nên khóa tuổi hành nghề công chứng.
Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về việc cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.