Ngày làm việc thứ 23, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Thảo luận về hai dự án Luật Cơ yếu và Luật Dân quân tự vệ

17/06/2009

Sáng ngày 16-6, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII, bước vào ngày làm việc thứ 23. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cơ yếu.

Các đại biểu QH phát biểu ý kiến bày tỏ sự thống nhất cao đối với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH về sự cần thiết xây dựng  Luật Cơ yếu. Vấn đề quản lý nhà nước đối với công tác cơ yếu được nhiều đại biểu quan tâm, phát biểu ý kiến đóng góp, đề xuất. Các đại  biểu Lê Dũng (Tiền Giang), Võ Trọng Việt (Sơn La), Nguyễn Hữu Cường (Nghệ An) và một số đại biểu khác, nêu rõ: Hoạt động cơ yếu là công tác đặc thù, cơ mật, liên quan chặt chẽ đến công tác bảo vệ an ninh, quốc phòng của đất nước cho nên việc quản lý nhà nước đối với công tác cơ yếu là rất quan trọng. Vì vậy, đề nghị  nên giao công tác cơ yếu để Chính phủ  quản lý và nếu cần sẽ thành lập Tổng cục Cơ yếu. Việc để Ban Cơ yếu  là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ sẽ giúp ngành này hoạt động hiệu quả hơn, phát huy khả năng của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về vấn đề này, đại biểu Ðinh Xuân Thảo (Kiên Giang) nhất trí với việc thành lập Tổng cục Cơ yếu và cho rằng, dù ngành cơ yếu thuộc quản lý nhà nước của bộ nào thì Ban Cơ yếu vẫn hoạt động độc lập và như hiện nay đang hoạt động rất tốt, hiệu quả. Ðại biểu này đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu thêm Ðiều 28 về việc cấp hộ chiếu cho người làm công tác cơ yếu sao cho  phù hợp hơn...

Có đại biểu đề nghị nên cân nhắc giao Bộ Công an quản lý nhà nước về công tác cơ yếu vì đây là lĩnh vực bảo mật an ninh quốc gia, tránh gây chồng chéo. Ðại biểu khác cho rằng, giao Bộ Quốc phòng quản lý ngành cơ yếu là phù hợp nhất và trong lịch sử phát triển, ngành cơ yếu có nhiều năm liền thuộc Bộ này quản lý.

Về chế độ, chính sách đối với những người làm công tác cơ yếu, đặc biệt là đối với khoảng 30% số cán bộ không phải là chiến sĩ công an, quân đội, nhiều đại biểu QH khẳng định: Ðây là công việc vất vả, phải tuân thủ các chế độ bảo mật nghiêm ngặt, vì vậy cần có những chế độ, chính sách thỏa đáng, hợp lý để cán bộ của ngành yên tâm làm việc. Một số đại biểu QH cho rằng, nếu ngành cơ yếu thuộc Chính phủ  thì để Chính phủ quy định về chế độ, chính sách; nếu thuộc Bộ Công an, hay Bộ Quốc phòng thì cán bộ cơ yếu không phải chiến sĩ thuộc quân đội, công an sẽ được chính sách như chiến sĩ lực lượng vũ trang, không nên có sự phân biệt.

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ. Phần lớn các ý kiến phát biểu đều tán thành việc xây dựng, ban hành Luật Dân quân tự vệ (DQTV) thay thế Pháp lệnh Dân quân tự vệ, quy định rõ nghĩa vụ tham gia DQTV của công dân trong độ tuổi từ 18 đến 40 (nữ) và 45 tuổi (nam). Các ý kiến của đại biểu QH đều nhấn mạnh vị trí quan trọng của lực lượng DQTV trong chiến tranh chống xâm lược, và trong thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðại biểu Quàng Thị Xuyến (Sơn La) đề nghị quy định nghĩa vụ tham gia DQTV của mọi công dân chứ không nên gọi là chế độ phục vụ DQTV. Vì DQTV là lực lượng của Ðảng và Nhà Việt Nam nên mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, thành phần gia đình, tín ngưỡng tôn giáo và trình độ văn hóa, đều có nghĩa vụ tham gia DQTV. Ðó là trách nhiệm và nghĩa vụ lớn lao của mọi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền độc lập của dân tộc. Ðồng thời, cần nghiên cứu và xây dựng chính sách tương ứng cho lực lượng DQTV. Về thời gian thực hiện nghĩa vụ DQTV, đại biểu này nhất trí thời hạn phục vụ là bốn năm. Song ở các vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, rất ít người ở độ tuổi DQTV, việc huy động lực lượng DQTV còn khó khăn. Ðề nghị cần kéo dài và tăng thời hạn phục vụ DQTV ở những vùng này. Nhiều đại biểu tán thành quy định sáu nhiệm vụ của lực lượng DQTV, nhưng các đại biểu Võ Văn Liêm (Vĩnh Long), Quàng Thị Xuyến (Sơn La), Ðỗ Căn (Hà Nội) và một số đại biểu khác đề nghị giao thêm nhiệm vụ "phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai". Các đại biểu QH đều nhất trí cao với quy định của dự thảo luật đặt lực lượng DQTV dưới sự lãnh đạo của Ðảng, điều hành của Chính phủ, sự tham mưu của Bộ Quốc phòng; ở cơ sở là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Về quy mô tổ chức, biên chế của lực lượng DQTV, phần lớn các ý kiến đại biểu QH đề nghị không nên "chính quy hóa", mà nên tổ chức gọn nhẹ, phù hợp điều kiện và nhiệm vụ ở mỗi địa phương, chỉ nên ở quy mô trung đội, đại đội, nếu ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn thì do UBND cấp huyện; tỉnh, thành phố tổ chức và quản lý. Ðại biểu Phạm Quang Hợi (Hưng Yên) lại cho rằng, nơi nào có điều kiện thì có thể tổ chức lực lượng DQTV ở cấp trung đoàn với những nhiệm vụ phù hợp. Các đại biểu QH đều tán thành thời hạn tham gia phục vụ trong lực lượng DQTV của công dân là bốn năm với những quy định cụ thể về thời gian tham gia đào tạo, huấn luyện, phục vụ chiến đấu, chiến đấu, tham gia giữ gìn trật tự, trị an ở địa phương và các nhiệm vụ khác; với một số trường hợp đặc biệt, hoặc ở các xã biên giới, hải đảo, thời hạn tham gia DQTV có thể kéo dài, nhưng không quá sáu năm. Ðại biểu Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) và một số đại biểu khác đề nghị, việc tổ chức lực lượng DQTV biển cũng ở quy mô hợp lý, phải quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ tàu, cung cấp trang thiết bị, phối hợp với các lực lượng khác trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển, phòng, chống bão, cứu nạn, và khắc phục hậu quả thiên tai. Nhiều đại biểu tham gia phát biểu ý kiến về tổ chức lực lượng DQTV trong các doanh nghiệp; các DNNN và một số doanh nghiệp khác có tổ chức đảng, thì việc thành lập đơn vị DQTV không có gì khó khăn; nhưng ở nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không có hoặc chưa có tổ chức đảng, việc thành lập đơn vị DQTV là khó khăn, bởi không có tổ chức đảng lãnh đạo, quản lý lực lượng DQTV, và doanh nghiệp ngại tốn kém kinh phí cho nên không muốn thành lập. Ðiều này dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp, vì trách nhiệm tham gia DQTV là của mỗi công dân theo quy định của pháp luật. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đưa ra phương án: Nên tổ chức lực lượng DQTV theo đơn vị lãnh thổ; cán bộ, công nhân ở các doanh nghiệp thuộc địa bàn nào có nghĩa vụ tham gia DQTV ở đó, chịu sự điều động, chỉ huy của Ban Chỉ huy lực lượng DQTV trên địa bàn.

Các đại biểu QH nhấn mạnh: Lực lượng DQTV có vai trò quan trọng trong chiến đấu, trong bảo vệ trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cho nên Nhà nước cần dành ngân sách thỏa đáng để bảo đảm hoạt động cho lực lượng DQTV, từ chế độ sinh hoạt, trụ sở, trang thiết bị làm việc của Ban Chỉ huy DQTV các cấp, đến chế độ đào tạo, huấn luyện; và đề nghị xây dựng Quỹ quốc phòng nhằm huy động sự đóng góp của toàn xã hội vào hoạt động của lực lượng DQTV.

* Tối 16-6, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHPN Việt Nam tổ chức gặp mặt hơn 100 nữ đại biểu QH đang tham dự kỳ họp thứ năm, QH khóa XII. Ðến dự, có đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh  Hòa và Phó Chủ tịch Hội Hoàng Thị Ái Nhiên giới thiệu khái quát một số thành tựu của Hội LHPN Việt Nam thực hiện Nghị quyết Ðại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ X; thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và một số kết quả sau hai năm thực hiện Nghị quyết 11 của T.Ư về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước. Ðáng chú ý, các cấp hội đã ủy thác  tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội vay hơn 24 nghìn tỷ đồng giúp phụ nữ xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho 103.623 người; vận động hội viên, các tầng lớp phụ nữ, nhà hảo tâm đóng góp hơn 31 tỷ đồng xây dựng "Mái ấm tình thương" giúp phụ nữ nghèo...

Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt, đồng chí Hà Thị Khiết thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước biểu dương những cố gắng của hội viên, các tầng lớp phụ nữ  có nhiều đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

 

SONG LINH và TRẦN ÐÌNH CHÍNH

(http://www.nhandan.com.vn/)