Sáng nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH trả lời chất vấn của QH: Nóng vấn đề lao động nước ngoài, lao động mất việc

12/06/2009

Bắt đầu từ 8 giờ sáng 11-6, Quốc hội bước vào phiên chất vấn các thành viên Chính phủ (từ ngày 11-6 đến 13-6).

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã mở đầu phiên trả lời chất vấn với các bức xúc nổi cộm hiện nay về lao động nước ngoài (LĐNN)  ồ ạt vào Việt Nam, lao động trong nước bị mất việc do suy giảm kinh tế, quản lý thị trường lao động còn bất cập...

Giải bài toán LĐNN: Phải có thời gian

ĐB Võ Thị Thuỷ (Bình Định) mở màn chất vấn của các ĐBQH bằng câu hỏi về LĐNN vào Việt Nam trong khi lao động trong nước mất việc làm trầm trọng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, việc lao động VN đi làm việc ở nước ngoài và LĐNN vào làm việc ở VN là điều tất yếu, miễn là đúng quy định của pháp luật. Bộ trưởng cho biết về quy định, VN không tiếp nhận LĐNN phổ thông, mà chỉ tiếp nhận chuyên gia và lao động có tay nghề và điều kiện là phải được cấp phép lao động.

Nhưng thực tế vừa qua LĐNN phổ thông vào VN rất nhiều, bằng những con đường khác nhau: du lịch, thăm thân, thương mại, sau khi vào thì ở lại và tìm việc làm. Chỉ có khoảng 40% LĐNN được cấp phép.

Về giải pháp để giải quyết tình trạng này, bà Ngân cho rằng phải trên tinh thần đúng pháp luật của VN và trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc hợp tác song phuơng giữa các nước. “Không thể ngay một tuần, một tháng có thể giải quyết xong được. Phải có thời gian”, bà Ngân nói. Để quản lý tốt LĐNN, bà Ngân nói thêm, Bộ LĐ-TB và XH nhận trách nhiệm trước CP, trước QH về quản lý LĐNN. “Tôi không đùn đẩy cho Bộ nào cả”, bà Ngân nói.

Lao động mất việc: Số liệu không tin cậy?

ĐB Nguyễn Thành Tâm bức xúc về lao động mất việc làm do suy giảm kinh tế, nhưng số liệu do các cơ quan đưa ra lại không giống nhau. Giải đáp điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, năm 2008, có trên 60.000 lao động bị mất việc. Từ đầu năm đến nay là 64-65.000 người mất việc. Đó là con số chính xác mà cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra. Còn có thể một số chuyên gia đưa ra những con số dự báo cao hơn.

Vẫn theo bà Ngân, tuy số lao động mất việc làm nhiều, nhưng số lao động tìm lại được việc cũng lớn, ở nhiều địa phương đạt tới 80%. “Có thể những thống kê này là chưa đầy đủ nhưng nhìn chung xu hướng chung là tốt”, bà Ngân nói.

Cũng ĐB Nguyễn Thành Tâm chất vấn CP đã đề nghị QH điều chỉnh GDP năm 2009 còn 5%, vậy Bộ có tham mưu cho CP điều chỉnh chỉ tiêu tạo việc làm? Bộ trưởng Ngân trả lời: Theo cách tính chung của thế giới, cứ tăng 1% GDP thì tạo 0,34% việc làm mới. “Dĩ nhiên, không có quốc gia giảm GDP mà tăng được việc làm cả”, bà Ngân khẳng định. Bộ trưởng cũng cho biết, nếu GDP năm nay ở mức 5% thì tạo việc làm khoảng gần 1,2 triệu.

Ngay sau đó, ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) đã đứng lên nói mình không thấy thoả mãn về câu trả lời của Bộ trưởng đối với câu hỏi của ĐB Tâm. ĐB Hiền cho rằng xã hội lo lắng về lao động mất việc nhưng các số liệu Bộ đưa ra luôn vênh nhau. Bà Ngân nói ngay: Chúng tôi phải cập nhật thường xuyên để báo cáo QH dĩ nhiên là sẽ vênh nhau. Số liệu sau bao giờ cũng phải khác số liệu trước. Hiện số liệu lao động mất việc có thể chưa đầy đủ vì chỉ có 48/63 tỉnh thành báo cáo.

“Các làng nghề có khoảng 11 triệu lao động làm việc thường xuyên và không thường xuyên. Theo dự báo có tới 5 triệu lao động làng nghề mất việc. Nhưng Quý I-2009, Bộ nói chỉ có khoảng 30.000 lao động làng nghề mất việc, vậy có đáng tin cậy không? Giải pháp nào để hỗ trợ họ”, ĐB Hiền tiếp tục chất vấn.

Theo bà Ngân, hệ thống số liệu lao động làng nghề hiện nay cũng mới chỉ dựa chủ yếu vào 48 tỉnh thành. Bà Ngân khẳng định con số trên 30.000 là chính xác, vì lao động làng nghề có đặc thù riêng: lao động làm thường xuyên và lao động nông nhàn làm thêm. Khi  làng nghề mất việc làm, lao động nông nhàn trở lại làm việc nông nghiệp. “Giải pháp tốt nhất để hỗ trợ lao động mất việc là chỉ có thể là làm tốt các giải pháp kích cầu của CP. Khi kích cầu thành công, kinh tế phát triển, xuất khẩu mạnh thì việc làm cũng sẽ được giải quyết”, bà Ngân nói.

Nói đến thị trường lao động, ĐB Trần Hoàng Thám (TPHCM) cho rằng  thị trường lao động đang phát triển phong phú, CP có nhiều giải pháp hữu hiệu. Nhưng  Hội nghị TƯ 9 vừa rồi đã nhận định quản lý nhà nước về thị trường lao động còn lỏng lẻo. Vậy khó nhất đối với vấn đề này là gì? QH có thể chia sẻ gì với CP? Bà Ngân nói, nhận định của TƯ 9 là đúng. Thị trường lao động VN còn manh nha,  mới mẻ. “Khó nhất là có tới 70% là lao động phi chính thức. Chỉ có 30% lao động chính thức quản lý được. Lao động phi chính thức có việc làm hay mất, đi đâu, không thể nắm được hết. Sẽ cần phải có thêm thời gian nữa”, bà Ngân trần tình.

ĐB Võ Thị Thuỷ bày tỏ bức xúc về tình trạng lao động trẻ em hiện nay. Tuy độ tuổi lao động theo quy định là 18 tuổi nhưng rất nhiều trẻ em phải kiếm sống từ bé, nhất là ở nông thôn. Về điều này, bà Ngân cho biết,  dưới 18 tuổi được coi là lao động vị thành niên; Nhà nước cấm làm việc nặng nhọc, độc hại. Đồng thời pháp luật cũng cấm bóc lột, lạm dụng lao động trẻ em.

Tuy nhiên, dù pháp luật quy định rõ như thế nhưng bà Ngân thừa nhận nhiều nơi không quản lý được. Nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng lao động trẻ em. “Chỉ có thể tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo vệ trẻ em, không để  các em bị bóc lột sức lao động”, Bộ trưởng chốt lại.

Liên quan đến vấn đề trẻ em, ĐB Bùi đặng Dũng (Kiên Giang) cho rằng hiện có trên 3.000 trẻ em bị HIV, khao khát đến trường, nhưng không được, Bộ tính sao? “Xã hội thương nhưng sợ. Sợ các em học chung với con em mình thì có thể rủi ro. Vì vậy, chúng tôi cũng không thể áp đặt đưa các em đến trường học chung vì sẽ tạo tâm lý căng thẳng cho người dân. Chỉ có một cách là dạy học tại trung tâm cho các em”, bà Ngân nói. 

Dạy nghề cho lao động nông thôn: 32.000 tỷ đồng

ĐB Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) bày tỏ quan tâm về  việc hỗ trợ lao động tàn tật hiện nay quá thấp, trong khi đó là đối tượng cần được hỗ trợ. Bà Ngân thừa nhận  mức hỗ trợ dạy nghề cho người tàn tật hiện nay 540.000 đồng là thấp. “Chúng tôi lần trước đã hứa là sẽ tăng và hiện đang làm thông tư. Sẽ tăng theo hướng hỗ trợ dạy nghề cho người tàn tật cao hơn người nghèo, lao động nông thôn”, Bộ trưởng hứa.

Liên quan đến vấn đề dạy nghề, ĐB Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, đề án đào tạo nghề cho lao động mà CP đang xây dựng huy động số tiền quá lớn, nhưng vấn đề là dạy ai, ai dạy, dạy cái gì? ĐB này cho rằng nên tập trung dạy nghề cho đối tượng thanh niên nông thôn, không nên dạy nghề dàn trải. Bộ trưởng cho biết,  tháng 6 này CP sẽ thông qua đề án này, mục tiêu là  dạy nghề cho 1 triệu lao động nông thôn/năm.

“Đề án kéo dài từ 2009-2020, 12 năm, huy động trên 32.000 tỷ đồng. 12 năm sẽ dạy 12 triệu lao động. Như thế là không nhiều tiền. Thậm chí là quá rẻ. Không nên hạn chế đầu tư cho nông thôn, nông dân”, bà Ngân nói. Đồng thời cho biết, CP sẽ đầu tư hệ thống trung tâm dạy nghề ở huyện để tiện cho nông dân học nghề, cũng như sử dụng rất nhiều phương thức, mô hình dạy nghề khác nhau: dạy nghề qua TV, đầu bờ, dạy nghề ở trung tâm..

ĐB Bùi Đặng Dũng cũng chất vấn, ngay từ kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng đã hứa sẽ có chuẩn nghèo mới. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Năm 2008 lạm phát, nhiều hộ rơi vào cảnh nghèo mà không được hỗ trợ. Về điều này, Bộ trưởng Ngân thừa nhận mãi đến thàng 6 này mới trình CP việc nâng chuẩn nghèo. “Tuy chưa có chuẩn nghèo mới nhưng CP đã kịp thời bổ sung các chính sách để hỗ trợ người nghèo. Hiện số hộ nghèo cả nước còn trên 12%”-bà Ngân khẳng định.

Phần chất vấn sáng nay, các ĐB cũng quan tâm nhiều đến vấn đề chính sách đối với người có công, nạn nhân chất độc da cam, thanh niên xung phong cũng như vấn đề đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn. Liên quan đến vấn đề chính sách cho đối tượng chính sách, không ít ý kiến chất vấn gay gắt, thậm chí bày tỏ sự thất vọng đối với Bộ trưởng Ngân vì việc giải quyết chính sách vẫn còn nhiều tồn đọng. Nhận xét phần trả lời của bà Ngân, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đánh giá: nghiêm túc, ngắn gọn, rõ ràng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều phần chưa thoả mãn.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng bộ LĐ-TB và XH kết thúc lúc 11h. Tiếp đến, Bộ trưởng bộ NN-PTNT đăng đàn. Các ý kiến chất vấn đầu tiên hướng vào vấn đề hành động để đối phó với biến đối khí hậu; chính sách “tam nông”; diện tích sản xuất lương thực... Chiều nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng sẽ trả lời chất vấn các ĐBQH.

 Giải quyết kiến nghị cử tri- không “bặt vô âm tín”

Trước phiên chất vấn sáng nay, Ban Dân nguyện QH đã báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị cử tri từ sau kỳ họp thứ 4. Trưởng ban Dân nguyện QH Trần Thế Vượng cho hay, báo cáo tập hợp giải đáp của 26 cơ quan CP, từ chuyện vĩ mô như quy hoạch vùng, cho đến "vi mô" là chế độ, chính sách đối với một thương binh, hay việc cung cấp nước sạch cho một khu phố. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, đây là lần đầu tiên QH có hình thức  này. Đây là một đổi mới của QH, nhằm giải tỏa được khúc mắc của cử tri bấy lâu về việc những bức xúc gửi đi cứ "bặt vô âm tín". Đồng thời cũng là cách để giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri của các bộ ngành, các thành viên CP.

 

 

PHAN THẢO

(http://www.sggp.org.vn/)