Đề nghị bỏ tử hình với 8/17 tội danh, bổ sung khung phạt tử hình cho tội khủng bố

26/05/2009

UBTVQH sáng nay 25-5 đã đề nghị bỏ hình phạt tử hình với 8/17 tội danh mà kỳ họp lần thứ 4 đã đề nghị, và bổ sung thêm một điều mới có quy định về hình phạt tử hình là Tội khủng bố.

Tám tội danh bỏ án phạt tử hình gồm: hiếp dâm; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buôn lậu, làm và tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả; ngân phiếu giả, công trái giả; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; đưa hối lộ; phá hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Quốc hội sáng nay làm việc tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

Chung thân là đủ nghiêm khắc

Báo cáo giải trình của UBTVQH cho biết về tội Hiếp dâm (Điều 111), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này để trừng trị nghiêm khắc các hành vi phi nhân tính, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. UBTVQH nhận thấy hành vi hiếp dâm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, nhưng xét về mức độ nguy hiểm của hành vi, thực tiễn xét xử trong thời gian qua, với chủ trương giảm bớt hình phạt tử hình trong BLHS thì không nhất thiết phải giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này. Mặc dù đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng quy định hình phạt tù chung thân đối với tội này là đủ nghiêm khắc và vẫn bảo đảm để trừng trị, răn đe, phòng ngừa chung. Còn trường hợp người phạm tội hiếp dâm trẻ em, hoặc vừa hiếp dâm, vừa cố ý giết người hoặc cướp tài sản, có thể bị áp dụng hình phạt tử hình về Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112), Tội giết người (Điều 93) hoặc Tội cướp tài sản (Điều 133)... của BLHS. Do đó, UBTVQH đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với Tội hiếp dâm.

Về Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334), UBTVQH nhận thấy trường hợp người phạm tội không có mục đích chống chính quyền nhân dân mà chỉ có hành vi hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì hình phạt cao nhất là tù chung thân cũng đủ nghiêm khắc để trừng trị và răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, UBTVQH đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với Tội danh này.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị cho giữ hình phạt tử hình ở các tội danh quy định tại các Điều 157, 231, 278, 279, 316, 322, 341, 342 và 343 của BLHS.

Sản xuất, buôn bán thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả không thể tha

Về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157), thay mặt UBTVQH, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng, hiện nay tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của nhiều người trên phạm vi rộng, và xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Do đó, cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình đối với tội danh này.

Nghiêm khắc trừng trị kẻ phá hủy công trình an ninh quốc gia

Về Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231), UBTVQH nhận thấy, hiện nay Pháp lệnh công trình trọng điểm về an ninh quốc gia đã có quy định về các công trình trọng điểm về an ninh quốc gia cần bảo vệ, những trường hợp cố ý phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia mà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm chết nhiều người, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến chính trị, trật tự, an toàn xã hội....thì hình phạt tử hình vẫn còn cần thiết để trừng trị nghiêm khắc người phạm tội cũng như để răn đe, phòng ngừa chung.

Tử hình “quan tham” để thể hiện quyết tâm chống tham nhũng

Về Tội tham ô tài sản (Điều 278) và Tội nhận hối lộ (Điều 279), UBTVQH nhận thấy, tệ nạn tham nhũng hiện nay vẫn đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc giữ lại hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này là thể hiện tính nhất quán, sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đẩy lùi và trừng trị nghiêm khắc cũng như răn đe, phòng ngừa chung đối với tội phạm tham nhũng.

“Không chấp nhận” kẻ đầu hàng địch

Về Tội chống mệnh lệnh (Điều 316) và Tội đầu hàng địch (Điều 322), UBTVQH nhận thấy, đây là các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân mà hành vi phạm tội xâm phạm tới khách thể là sức chiến đấu, kỷ luật quân đội và trong một số trường hợp có thể gây tổn thất đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhiều cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Vì vậy, việc giữ lại hình phạt tử hình trong hai tội danh trên là cần thiết, bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật quân đội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phá hòa bình, gây chiến tranh là tội nghiêm trọng nhất

Về Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341), Tội chống loài người (Điều 342) và Tội phạm chiến tranh (Điều 343), UBTVQH nhận thấy, đây là nhóm tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội xâm phạm đến hòa bình, an ninh nhân loại, xâm phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, trong một số trường hợp hậu quả có thể làm tổn hại đến tính mạng và sức khỏe của rất nhiều người, trong khi chính sách hình sự của Nhà nước ta hiện nay vẫn giữ hình phạt tử hình đối với Tội giết người và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác. Vì vậy, để bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, UBTVQH đề nghị giữ lại hình phạt tử hình đối với các tội này.

Bổ sung án tử hình đối với Tội khủng bố

Theo UBTVQH, Tội khủng bố quy định tại Điều 84 của BLHS hiện hành có phạm vi điều chỉnh hẹp cả về mục đích, đối tượng và hành vi phạm tội, trong khi các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên lại luôn đặt tội phạm khủng bố trong mối liên hệ với nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác như tội buôn bán ma túy, buôn bán người, rửa tiền và với phạm vi điều chỉnh khá rộng... Việc quy định Tội khủng bố phải bảo đảm vừa không làm ảnh hưởng tới chính sách hình sự trong việc xử lý tội phạm về khủng bố nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, vừa phúc đáp yêu cầu đấu tranh phòng chống khủng bố đặt ra trong giai đoạn mới và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hợp tác quốc tế về chống khủng bố. Nếu chỉ quy định Tội khủng bố như tại Điều 84 của BLHS với khách thể xâm hại là an ninh quốc gia và mục đích phạm tội là nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ gây khó khăn cho việc phòng chống tội phạm và hợp tác quốc tế về chống khủng bố, nhất là việc dẫn độ tội phạm, trong khi điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên quy định hành vi khủng bố rộng hơn, mục đích phạm tội không phải chỉ chống chính quyền nhân dân như Điều 84. Khách thể của tội phạm này là an toàn công cộng, trật tự công cộng.

Do đó, UBTVQH đề nghị giữ Điều 84 tại Chương XI Các tội xâm phạm an ninh quốc gia và sửa tên của Điều 84 thành Tội khủng bố nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân; đồng thời, bổ sung Điều 230a Tội khủng bố để quy định hành vi khủng bố nhằm các mục đích khác như trong dự thảo Luật. Như vậy, Bộ luật hình sự đã được bổ sung thêm một điều mới (Điều 230a) có quy định về hình phạt tử hình.

 

Xuân Bách

(http://www.nhandan.com.vn/)