Sáng nay, Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ: Giám sát đồng vốn kích cầu

22/05/2009

Sáng nay, 21-5, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2008 và những tháng đầu năm 2009. Đa số các ý kiến đều đồng tình với những giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là các gói kích thích kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hạn chế tình trạng suy giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM nhận định, việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2009 là cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 5% trong năm nay sẽ phải nỗ lực lớn. Mức lạm phát điều chỉnh giảm xuống dưới 10% là hợp lý, bởi trong bối cảnh kinh tế suy giảm, không thể để lạm phát ở mức hai con số.

Nhưng cũng có một số đại biểu lo ngại việc đẩy mạnh kích cầu sẽ làm lạm phát gia tăng. ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) phân tích: “Gói kích cầu của Chính phủ lên đến 8 tỷ USD. Nếu phần lớn nguồn vốn này rơi vào khu vực doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả thì sẽ rất nguy hiểm, bởi hiện nay lạm phát đã bắt đầu rình rập”.

Thảo luận về các giải pháp kích thích phát triển kinh tế, đại biểu Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) cho biết người dân và cử tri đang lo về vấn đề thực hiện: “Giải pháp thì đúng, nhưng phải làm sao thực hiện cho tốt. Chính phủ muốn phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu là hợp lý, nhưng phải giám sát thế nào để đồng vốn đó được sử dụng một cách hiệu quả”.

Ông Nhân dẫn chứng về vấn đề thực hiện các giải pháp còn chưa tốt, chẳng hạn như ở Quảng Ngãi tiếp cận vốn vay ưu đãi còn khó khăn, vấn đề kích cầu kinh tế hợp tác còn chưa được chú ý.

ĐB Đặng Ngọc Tùng (TPHCM), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đồng ý là các giải pháp đi vào thực tế còn chưa đạt. Ví dụ như chính sách cho vay (lãi suất 0%) hỗ trợ người lao động mất việc làm, áp dụng cho năm 2009 nhưng đa số DN có lao động mất việc làm lại rơi vào năm 2008, nên đến nay hầu như triển khai cho vay rất khó.

“Kích cầu phải tới được người dân, tới đúng các địa chỉ làm ăn hiệu quả thì mới có thể vực dậy được nền kinh tế” – ĐB Nguyễn Đăng Trừng nói.

Cũng liên quan đến các gói kích cầu, ĐB Trần Du Lịch băn khoăn: “Chính phủ công bố gói kích cầu 8 tỷ USD, tương đương 145.000 tỷ đồng, nhưng trong đó lại có một số nhóm là nguồn chứ không phải là chi thêm. Chẳng hạn như việc chuyển nguồn vốn đầu tư từ năm 2008 sang; hay như phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ là để bù vào nguồn thu bị thâm hụt, không phải là chi thêm để kích cầu”.

Ông Lịch cho rằng, thống kê như vậy sẽ khó đánh giá đúng tác động của các gói kích cầu.

Liên quan đến việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách năm 2009 từ 4,82% lên không quá 8% GDP, ĐB Nguyễn Đăng Trừng cho rằng mức bội chi 8% là quá cao, cần phải có biện pháp quyết liệt để giảm xuống. Theo ông Trừng, bội chi ngân sách năm nay khoảng 6%-6,5% GDP là hợp lý.

Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch lại nói nếu mức bội chi 8% đạt được trong bối cảnh kiềm chế được lạm phát dưới 10% thì sẽ là “cú hích” cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Ông Lịch đề nghị Quốc hội cần ra một nghị quyết riêng về tăng bội chi ngân sách với các điều kiện đi kèm như: làm rõ phần nào là để bù thiếu hụt cho thu ngân sách, phần nào để chi thêm cho kích cầu, và cuối cùng là kết quả của việc tăng bội chi ra sao.

 

HÀM YÊN

(http://www.sggp.org.vn/)