Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc tổ chức, thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại TP Cần Thơ

03/04/2009

Ngày 2.4, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc tổ chức, thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Cần Thơ, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra và Ban chỉ đạo TP Cần Thơ về công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo TP về phòng, chống tham nhũng, trong thời gian qua, các cơ quan đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức như cung cấp tài liệu tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, tổ chức hội nghị... liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; Rà soát các văn bản hướng dẫn hiện hành về thực hiện phòng, chống tham nhũng; Triển khai việc kê khai tài sản của các cán bộ, công chức; Việc trả lương qua tài khoản để minh bạch thu nhập của cán bộ, công chức. Ban chỉ đạo TP đã ký kết quy chế phối hợp với Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát, Báo Cần Thơ... để trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng. Bên cạnh đó, các cơ quan điều tra, thanh tra trên địa bàn đã tổ chức họp liên ngành đánh giá về công tác phối hợp cũng như thông báo kết quả điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn còn hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn chưa được tiến hành nhiều tại các khu dân cư. Một số cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các quy định về công khai, minh bạch còn hình thức, hiệu quả thấp và không thống nhất. Công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chậm. Công tác phát hiện tham nhũng, tiêu cực phần lớn vẫn qua tin tố giác của nhân dân, các cơ quan báo chí.

Đoàn giám sát của UBTVQH ghi nhận những cố gắng của các cơ quan tại TP Cần Thơ trong việc kiện toàn bộ máy chuyên trách phòng, chống tham nhũng cũng như phối hợp điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng. Cho rằng, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan hữu quan còn chung chung, Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan này cần bổ sung các số liệu, thông tin về vụ án tham nhũng và tăng cường trao đổi thông tin để thống nhất số liệu các vụ án tham nhũng đã xét xử. Từ đó, có những đánh giá chính xác hơn kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Đoàn giám sát nêu quan điểm: để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn, Chính phủ cần ban hành hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng; Tách bạch chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc với thanh tra, công an để tránh trùng lắp, thêm thủ tục hay kéo dài thời gian xử lý án tham nhũng. Xây dựng chế độ, cơ chế khen thưởng, bảo vệ cá nhân tố giác án tham nhũng để khuyến khích nhân dân tố cáo các sai phạm, tiêu cực. Cùng với đó, các đơn vị thanh tra, tòa án, công an tại TP Cần Thơ cần kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng công tác lựa chọn cán bộ, bảo đảm hiệu quả phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

 

(http://nguoidaibieu.com.vn)