Phiên họp thứ 15 của UBTV Quốc hội: Xử lý sai, Nhà nước phải bồi thường

27/12/2008

Hôm qua (25-12), tại buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về Dự án Luật Bồi thường Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cho rằng việc ban hành luật là rất cần thiết, có thể lúc đầu gặp khó khăn nhưng sẽ thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước với công dân, từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm người thi hành công vụ.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng tỏ ý kiến đồng tình: "Tính toán thiệt hại của hành vi không hành động là vô cùng phức tạp. Ví dụ chậm cấp giấy phép đầu tư nửa năm đối với một dự án lớn, chậm xem xét lại bản án dân sự, kinh tế (trong khi thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm chỉ 3 năm) có đền không ?".

Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật phân tích, theo nguyên tắc bồi thường của pháp luật dân sự thì thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó. Tuy nhiên trong điều kiện khả năng ngân sách và trình độ   cán bộ công chức  của Việt Nam hiện  nay, yêu cầu triệt để như  vậy rất khó thực hiện. Vì vậy, nên quy định mức bồi thường được xác định trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người bị thiệt hại. Trong trường hợp thương lượng không thành thì cơ quan giải quyết vẫn phải quyết định mức bồi thường một cách thỏa đáng, nếu người bị thiệt hại không đồng ý thì có quyền khởi kiện tại tòa. Nhiều ủy viên cho rằng cần quy định rõ về mức và lộ trình thực hiện bồi thường, tránh tình trạng người được bồi thường thì yêu cầu cao, bên phải bồi thường lại đánh giá thấp. Đặc biệt, Ủy ban Pháp luật yêu cầu Ban soạn thảo xác định rõ trong luật rằng, hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ bao gồm cả trường hợp không hành động mà gây thiệt hại. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức không thực thi hoặc chậm thực thi công vụ, gây thiệt hại không nhỏ cho tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sau khi nghe thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là một dự án luật khó vì thực tiễn chưa tổng kết được nhiều và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ tịch QH kiến nghị giao cho Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì mời các cơ quan liên quan đến thảo luận để làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, chọn ra những nội dung có điều kiện giải quyết để đưa vào luật, mức bồi thường thiệt hại cũng phải xuất phát từ điều kiện kinh tế của ta.

 

Hà Phong

(http://www.hanoimoi.com.vn/)